3
thánh trong một gia đình, người làng Quần cống, Bùi chu:
1-
Đaminh Nguyễn Trọng Khảm, quan án
2-
Giuse Phạm Trọng Tả, cai tổng
3-
Luca Phạm Trọng Thìn, cai tổng
Ba
vị thánh này sống dưới chế độ phong kiến. Gia tộc cụ Đa Minh Phạm Trọng Khảm
giàu có nổi bật trong làng Quần Cống, Nam Ðịnh; Cụ Khảm được triều đình cho làm
Chánh Án; con trai cụ Khảm là Luca Phạm Viết Thìn (còn gọi là Luca Phạm Trọng
Thìn) giữ chức Cai Tổng; người em con của chú là Đa Minh Phạm Trọng Tả cũng là
cựu Cai Tổng. Tuy họ thuộc giai cấp trên, giữ những chức vụ quan trọng dưới chế
độ phong kiến, nhưng cả ba thành viên trong gia tộc này đều hết lòng bác ái yêu
thương dân làng nghèo khổ. Ba vị thánh này đều là Hội Viên Dòng Ba Đa Minh.
THÁNH ÐA MINH PHẠM TRỌNG KHẢM
Quan án, tử đạo (1780-1859)
Tiểu sử
Cậu Ða Minh Phạm Trọng
Khảm sinh khoảng năm 1780 trong một gia đình khá giả tại làng Quần Cống, xã Trà
Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh (nay thuộc tỉnh Bùi Chu). Thân phụ là ông Phạm
Tri Khiêm, một hương chức danh giá được dân làng kính trọng. Hấp thụ được những
đức tính tốt của cha, cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu. Năm 18 tuổi,
vâng lời song thân, cậu kết hôn với cô An-nê Phượng, một thiếu nữ đạo hạnh
trong làng. Hai vợ chồng sống rất hoà thuận, được dân làng mến phục tin tưởng.
Ðặc biệt hai người biết hiệp lực giáo dục và khích lệ con cái học hành.
Khi bị bắt, cụ án Khảm
đã gần 80 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng, vừa là hội viên Huynh đoàn giáo dân
Ða Minh, kiêm chức trùm họ trong giáo xứ. Mọi người đều công nhận cụ là người đạo
đức, giàu lòng bác ái và nhiệt thành trong trách vụ. Các thừa sai, cả các giám
mục cũng biết tiếng và từng đến trọ nhà cụ trong những ngày khó khăn.
Năm 1858, khởi đầu
giai đoạn thứ năm trong cuộc bắt đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo hội Việt
Nam. Quan án sát Nam Ðịnh được mật báo là Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng,
liền huy động quân lính đến bắt. Cụ án Khảm hay tin liền đưa các vị thừa sai trốn
khỏi làng. Cụ tập hợp quần chúng, khích lệ họ can đảm giữ đạo. Khi quan quân ùa
vào làng, bắt toàn dân tụ họp, tra xét thì cụ án Khảm công khai tuyên xưng đạo,
quan sai bắt trói án Khảm giải về Nam Ðịnh. Trong suốt thời gian tù, cụ là chỗ
dựa, là nguồn khích lệ, là người an ủi và chia sẻ tinh thần, vật chất cho các bạn
tù.
Sau gần năm tháng bị cầm
tù và nhiều lần bị hành hạ, ngày 13-1-1859, cụ án Khảm được đưa ra pháp trường
Bảy Mẫu Nam Ðịnh. Khi ra đến nơi, quân lính xô cụ té, trói tay chân cụ vào cột
đã chôn sẵn, rồi hai người lính cầm hai đầu dây thừng tròng qua cổ kéo thật mạnh
cho đến khi cụ tắt thở. Thi hài cụ được các tín hữu Quần Cống rước về quê và an
táng trọng thể.
Ngày 29-4-1951, đức
giáo hoàng Pi-ô XII đã suy tôn cụ Ða Minh Phạm Trọng Khảm lên bậc chân phước.
Và ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong cụ lên bậc hiển
thánh.
Lời
nguyện: Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của
thánh Ða Minh Khảm. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự
nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng
con cầu xin
THÁNH GIU-SE PHẠM TRỌNG TẢ
Cựu chánh tổng, tử đạo (1800-1859)
Tiểu sử
Cậu Giu-se Phạm Trọng
Tả sinh khoảng năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh
Nam Ðịnh. Ông Cai Tả là anh em chú bác với thánh án Khảm, là con ông Ða Minh Phạm
Thăng. Khi bị bắt ông đã 60 tuổi. Ông là một ki-tô hữu đạo đức, một thành viên
Huynh đoàn giáo dân Ða Minh, và là cựu chánh tổng. Cộng tác với cháu là Cai
Thìn, ông luôn tìm cách giúp mọi người trong hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1858, tình hình bắt
đạo đang gia tăng, vua Tự Ðức ra lệnh cho quan quân triệt để thi hành sắc chỉ
nhắm vào đạo Gia-tô. Nhưng thực tế, việc thi hành này phụ thuộc vào sự sốt sắng
các quan địa phương. Lợi dụng điều đó, đức cha Xam-pê-rô Xuyên ủy thác cho cai
Tả và cai Thìn trọng trách sứ giả hoà bình, vì hai vị thuộc thành phần lãnh đạo,
dễ dàng tiếp xúc với cấp trên.
Các ông đã đến gặp trực
tiếp tổng đốc Nam Ðịnh xin nương tay cho các tín hữu và hứa kêu gọi dân trung
thành với vua. Cuộc thương thuyết sắp thành công, thì có một số người ở Cao Xá,
vì bất mãn với chính sách nhà vua, đã nổi loạn chống lại các quan địa phương.
Thế là vị tổng đốc đổi ý, tiếp tục ra lệnh lùng bắt các vị thừa sai và các tín
hữu. Quan kết án cai Tả lừa dối và tìm dịp để bắt ông. Khi quan án sát Nam Ðịnh
được mật báo là Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng, liền huy động quân đến
vây bắt, nhưng các vị thừa sai đã được đưa đi chốn khỏi làng. Khi quan quân vào
làng bắt toàn dân tụ họp để tra xét, quan đã sai bắt trói cai Tả và một số người
giải về Nam Ðịnh, vì không chịu bỏ đạo.
Ba lần ra trước tòa, cả
ba lần ông cai Tả đều cương quyết không bước qua thập giá dù bị dọa nạt, đánh đập.
Không những thế, ông còn khuyên bảo những người đừng phạm thứ tội mà ông gọi là
"ghê tởm".
Sau những tháng bị
giam cầm, đánh đập, một hôm quan án cho biết là ông bị kết án xử tử. Vào ngày
13-1-1859, cai Tả và một số giáo hữu khác được đưa ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Ðịnh.
Tại đây, quân lính đã xử giảo ông. Sau đó, thi hài ông được các tín hữu đưa về
Quần Cống an táng.
Ngày 29-4-1951, đức
giáo hoàng Pi-ô XII suy tôn ông Giu-se Phạm Trọng Tả lên bậc chân phước và ngày
19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II long trọng phong ông lên bậc hiển
thánh.
Lời
nguyện: Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của
thánh Giuse Tả. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận
biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con
cầu xin.
THÁNH LU-CA PHẠM TRỌNG THÌN
Chánh tổng, tử đạo (1820-1859)
Tiểu sử
Cậu Lu-ca Phạm Trọng
Thìn là con trai cụ Án Khảm sinh năm 1820 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ
Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Như chúng ta đã biết về cụ án Khảm, dưới mái nhà
gia giáo và khá giả này, cậu Thìn đã lớn lên trong bầu khí đạo đức, được ăn học
thành người. Nhờ trí thông minh lanh lợi và chăm chỉ, chẳng bao lâu cậu đã
"công thành danh toại." Khi bị bắt, ông Cai Thìn mới khoảng 40 tuổi
và đang là chánh tổng vừa quyền thế, vừa uy tín.
Thực ra, khi mới lên
chức vụ này, vì giao tiếp với quan lại nhiều, đã có thời kỳ ông có vợ nhỏ là cô
Trung, người Trà Lũ nên thờ ơ việc đạo nghĩa (vợ chính ông là bà Ma-ri-a Tâm).
Nhưng sau nhờ lời khuyên của thân phụ, nhất là của cha giải tội, ông đã thành
tâm sám hối. Từ đó, ông trở thành một mẫu gương thánh thiện, một gia trưởng và
một thành viên Huynh đoàn giáo dân Ða Minh đạo đức, một thủ lãnh đáng tin cậy.
Năm 1858, khởi đầu cho giai đoạn bắt đạo gay gắt nhất của lịch sự Giáo hội Việt
Nam. Trong cuộc truy lùng các thừa sai của làng Quần Cống, ông cai Thìn đã bị bắt
trong cùng hoàn cảnh với cha ông là cụ án Khảm.
Ba lần ra trước tòa, cả
ba lần ông đều cương quyết không bước qua thập giá, dù bị đánh đập. Khi quan
yêu cầu ông viết những suy nghĩ của mình lên giấy, ông đã viết bản tuyên xưng đức
tin rõ ràng như sau:
"Tôi là ki-tô hữu,
tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là
vi phạm một lỗi, dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ. Chính tay tôi viết điều này.
Lu-ca Thìn."
Gần năm tháng bị giam
cầm, được quan báo cho biết là ông sẽ bị kết án xử giảo vì tội chống lại nhà
vua. Ông Thìn kịch liệt phản đối, và cuối cùng ông được an tâm khi bản án được
ghi thêm "bất khẳng quá khoá" nghĩa là không chịu bước qua thánh giá.
Ngày 13-1-1859, cai
Thìn đã được đưa ra pháp trường cùng với một số tín hữu khác trong đó có cha và
chú của ông. Sau khi đã trói ông vào cột, hai người lính cầm dây thừng tròng
qua cổ và kéo thật mạnh cho đến khi ông tắt thở. Các tín hữu làng Quần Cống đã
đưa thi hài vị chứng nhân về quê để tổ chức an táng.
Ðức giáo hoàng Pi-ô XII
đã suy tôn ông Lu-ca Phạm Trọng Thìn lên bậc chân phước ngày 29-4-1951. Ðức
giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong ông lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Lời
nguyện: Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của
thánh Lu-ca Thìn. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự
nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng
con cầu xin
*
*
*
Năm 1858 khởi đầu cho
giai đoạn 5 cuộc bách hại đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Nhà
vua treo giải thưởng xứng đáng cho những ai tố cáo nơi trú ẩn của các vị thừa
sai Âu Châu và ngược lại sẽ trừng trị đích đáng những kẻ chứa chấp họ. Thế là
các Ngài phải nay đây mai đó, trốn từ làng này qua làng khác. Quần Cống là một
nơi ẩn náu khá an toàn, vì các chức sắc trong làng là ngừơi Công Giáo, và chính
họ sẵn sàng đón tiếp các Ngài. Đức cha Sampedro xuyên, đại diện tổng tòa giáo
phận Trung dự đoán có thể bị bắt bất ngờ, đã thủ phong giám mục phó cho Đức cha
Valentino Vinh ngày 14-06 tại ninh Cường, hai cha Riano Hòa và Carrerras Hiển
là phụ phong. Sau đó cả bốn vị đều ẩn tại làng Quần Cống, trọ tại nhà cụ An Khảm,
Cai Tả và Nhiêu Côn.
Quan An sát Nam Định
được mật báo làng Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng, liền huy động quân
lính đến vây bắt. Nhưng cụ An Khảm kịp biết tin, vội vàng tìm cách đưa các vị
thừa sai trốn khỏi làng. Đức cha Vinh và hai Linh mục qua làng Trà Lũ. Đức cha
Xuyên đi qua Kiên Lao (ngày 08-07 mới bị bắt). Sau khi các thừa sai đã đi xa, cụ
cho mỏ làng đi trước, đích thân cầm roi đi sau, bắt mõ làng rao lớn tiếng :
"Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án truyền rằng : người nào quá khóa
phải phạt ba roi và bị đuổi ra khỏi làng." Rồi cụ tụ tập dân lại khích lệ
họ.
Sau đó, quan quân ùa
vào làng, họ bắt toàn thể dân làng tập trung lại, và rồi gọi cụ An Khảm ra
trình diện và nói : "Mau nộp ngay lập tức các đạo trưởng Tây dương và bản
quốc, cũng như bọn thầy giảng lẩn trốn trong làng. Nếu bất tuân lão sẻ bị bắt,
bị tịch thu tài sản, nhà cửa sẽ bị thiêu hủy, còn chíng lão sẽ bị kết tội chống
cưỡng nhà vua." Cụ An Khảm hết sức bình tĩnh vì biết chắc các thừa sai đã
trốn xa rồi, cụ mạnh bạo trả lời : "Đúng, đạo chúng tôi có các đạo trưởng
nhưng các ngài ở đâu làm sao chúng tôi biết được. Xin quan cứ tự do lục soát nếu
tìm thấy vị nào trong làng thì quan muốn làm gì cũng được."
Thế là quân lính chia
nhau lục soát khắp ncả nhà, dĩ nhiên là không tìm thấy một linh mục. Nhưng lính
lại phát hiện được một số tượng ảnh, áo lễ nên chủ nhà bị kết tội là chứa chấp
đạo trưởng. Cụ An đã đứng ra nhận là mình đã mua những thứ đó. Tuy vậy quan vẫn
ra lệnh bắt trói cả nhà.
Trở lại nơi tập trung
dân làng, quan An sát cho đặt một Thánh Giá ngay giữa sân, rồi bắt mọi ngừơi lần
lượt bước qua. Nhưng quan đã thất bại dù lính có đi tới đi lui đe dọa, toàn thể
dân làng không một ai bước qua Thánh Giá. Một bô lão có lẽ vì quá sợ, run rẩy
tiến lên vài bước, định thi hành lệnh quan, nhưng cụ An nhanh chân hơn cản lại
và khiển trách. Viên quan tức giận quát lên rằng : "Ta sẽ mất chức nếu
không kết tội đươc An Khảm và bọn người vô phúc này." Thế rồi quan lại bắt
trói An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn và một số người khác, rồi giải về Nam Định,
riêng cụ An được chở đi trong thuyền của quan.
Chúng tôi được nước
Thiên Đàng
Về tới Nam Định, hai
cha con cụ An Khảm được gặp nhau trong những lần ra tòa, và sau này được giam
chung. Hai cha con vui mừng và xúc động khuyến khích nhau chịu khổ vì lòng kính
mến chúa Kitô.
Tất cả những tù nhân
Quần Cống hẹn với nhau quyết tâm trung thành với đức tin, dù phải hy sinh mạng
sống. Riêng cụ An Khảm đã nhiều lần đại diện cả nhóm trả lời với quan, đã tìm
cách giáo lý trong đạo.
Một hôm sau khi bắt được
Đức Cha Xuyên, quan cho dẫn ba ông đến trước mặt Đức Cha. Các ông kính cẩn chào
hỏi và không dấu được niềm vui gặp lại vị chủ chăn của mình. Thấy thế quan phỏng
đoán và kết tội các ông chứa chấp vị thừa sai này. Tuy thực sự Đức Cha đã ở nhà
mình, cụ An Khảm tìm cách trả lời chung chung : "Là ngừơi tín hữu, chúng
tôi tôn kính và yêu mến bất cứ một linh mục nào, dù chưa hề quen biết."
Sau bốn tháng rưỡi bị
giam, một hôm quan báo cho biết là cả ba vị đều bị kết án xử giảo. Ông Cai Thìn
hỏi lại án đã kết tội gì, quan cho hay là tội chống lại nhà vua. Ong Thìn cực lực
phản đối. Cuối cùng theo đề nghị của ông, bản án được viết thêm bốn chữ "bất
khẳng quá khóa"; nghĩa là tội không chịu bước qua Thập Giá. Các ông vui mừng
hân hoan vì được chết cho Đức Kitô. Và trong những ngày còn lại, các ông chuẩn
bị sốt sắng đón chờ ngày lãnh nhận hồng phúc tử đạo.
Ba vị chứng nhân đức
tin đã cảm nghiệm sâu xa lời Đức Kitô chúc phúc cho những người bách hại vì
danh Ngài. Đối với ba vị, bị bắt chịu khổ nhục, bị giết vì danh Đức Kitô là niềm
vinh phúc lớn lao. Các vị đã hân hoan đón chờ nó, đồng thời khích lệ an ủi các
tín hữu khác. Và khi nghe báo giờ xử tử đã tới, cụ An Khảm vui vẻ nói với mọi
người : "Cha con chúng tôi hôm nay được nước Thiên Đàng". Cả ba vị đã
sẵn sàng giả từ trần gian để về hợp đoàn với hàng ngũ các thánh Tử Đạo, và mở rộng
đôi tay đón nhận phần thưởng vinh phúc Chúa đã hứa ban cho những tôi trung của
Ngài.
Ngày 13-01-1859, ngoài
ba vị An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn còn có bảy giáo hữu làng Quần Cống khác được
đưa ra pháp trườngBảy Mẫu, Nam Định. Trên đường đi các vị lớn tiếng đọc kinh. Đến
nơi xử các vị tiếp tục đọc kinh Tin, Cậy, Mến và nhiều lần kinh Ăn Năn Tội
chung với nhau, rồi lớn tiếng kêu Chúa Giêsu.
Quân lính mạnh tay xô
các vị té ngửa trên đất, rồi trói chân tay từng người vào cọc đã chôn sẵn. Mỗi
người bị hai người lính cầm hai đầu dây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho
đến khi tắt thở. Các tín hữu làng Quần Cống rước các vị đưa về quê mình, và tổ
chức an táng trọng thể.
Đức Piô XII đã suy tôn
ba anh hùng tử đạo : Đaminh Phạm Trọng Khảm, Giuse Phạm Trọng Tả, Luca Phạm Trọng
Thìn lên bậc chân phước ngày 29-04-1951. Ngày 19-06-2002, Đức Gioan Phaolô II
suy tôn các Ngài lên hàng hiển thánh.
Nguồn
từ tu viện Đa Minh
Trường
Thi tử Đạo
Bảy chín tuổi cụ Phạm
Trọng Khảm
Sống qua thời dưới tám triều Vua
Gia đình Quần Cống quê mùa
Mẹ cha phú quý chẳng thua thị thành.
Phần con cái hạ sanh
được bảy
Cả gái trai hết thảy đều ngoan
Mười tám tuổi quen một nàng
Kết hôn chị Phượng người làng đoan trang.
Vợ chồng sống đảm đang
đạo đức
Ðược bốn con rất mực nết na
Cụ ham học, giỏi tề gia
Dùi mài kinh sử thật là thông minh.
Thi đỗ đạt Triều đình
phong chức
Án Sát Quan nhất mực thanh liêm
Nhưng sau cụ bị tố liền
Là người Công giáo vua truyền nghe theo.
Bị cách chức, phẩm đeo
lột hết
Về xóm làng, khăn xếp bạch đinh
Ðức tin cụ vẫn nhiệt tình
Bước theo chân Chúa, tôn vinh danh Ngài.
Nơi làng cũ triển khai
làm ruộng
Rất cần cù ưa chuộng tình thương
Giúp người lạc lối lỡ đường
Giàu lòng bác ái giáo lương một nhà.
Chia của cải gần xa
nghèo túng
Nhập dòng ba hướng đúng Ðaminh
Nghèo hèn cụ trọng chẳng khinh
Ðón mời kẻ khó gia đình ăn chung.
Ðược Cha xứ trong vùng
tín nhiệm
Ðặt làm trùm đại diện giáo dân
Sau bầu lý trưởng thấy cần
Phải nhờ Giám mục lãnh phần động viên.
Cụ Trọng Khảm nể liền
đảm nhận
Rất nhiệt tình tường tận giúp dân
Các Thừa sai khắp xa gần
Những ngày gặp khó ân cần giúp ngay.
Dân mộ mến thăng ngay
Tiên Chỉ
Vẫn giữ luôn hoan hỉ đạo đời
Thanh liêm vọng tiếng khắp nơi
Án Quan từ bỏ rạng ngời đức tin.
Tại Bảy Mẫu vui nhìn xử
trảm
Chúa thưởng ban xứng đáng Nước Trời
Ðaminh Trọng Khảm lìa đời
Ðược phong Hiển thánh rạng ngời Thiên Cung.
Quan Án Sát oai hùng từ
bỏ
Trong gia đình giàu có sẻ chia
Bạch đinh từ chối mũ hia
Lý hình xử giảo cắt lia thân mình.
Phạm Trọng Khảm hy
sinh tử đạo
Vẫn kiên trung loan báo Tin mừng
Thánh nhân gương mẫu sáng trưng
Tôn vinh danh Chúa lẫy lừng năm Châu.
Phạm Trọng Khảm sinh đầu
Canh Tý (1780)
Năm Kỷ Mùi (1859) vì đạo chứng minh
Tân Mão (1951) Toà Thánh thuận tình
Suy tôn Chân phước hiển vinh Nước Trời.
Lời
bất hủ:
Thánh nhân can đảm
tuyên bố trước anh em binh sĩ: "Kẻ nào trong anh em đạp lên Thánh giá, khi
quan về, tôi sẽ đuổi ra khỏi làng, sẽ không có chốn nào chôn xác đâu".
Lời
tâm niệm chung 1:
Chúng ta noi gương các
thánh Tử đạo Việt Nam, hết lòng kính mến Chúa và yêu thương mọi người, bằng
cách giúp đỡ tha nhân phần hồn lẫn phần xác, trọn đời chịu cực chịu khó để tin
thờ Thiên Chúa, sẵn sàng hy sinh giúp đỡ những người làm việc tông đồ, và nâng
đỡ anh em đồng đạo, trung thành với Chúa, với Giáo hội cho đến hơi thở cuối
cùng...
Nguồn: tinmung.net; hddmvn.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét