Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Hãy đến mà xem – 04/01, thứ Năm trước lễ Hiển Linh.


Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các anh tìm gì thế?” Họ thưa với Người: “Thưa Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy đang ở lại đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã tìm thấy Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

Suy niệm:
 “Đây là Chiên Thiên Chúa” (c.35). Gioan Tẩy giả nói với hai anh môn đệ đang đứng với mình như thế khi ông thấy Đức Giêsu tình cờ đi ngang qua. Gioan đã gặp Ngài, đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Ngài (Ga 1,32). Ông biết Ngài là Đấng đến sau ông, nhưng lại có trước ông (1,15.30). Trong một cử chỉ khiêm hạ làm cho mình nhỏ lại, ông đã giới thiệu cho các môn đệ mình một vị Thầy cao trọng hơn. Ông để cho họ đi theo vị Thầy mới, còn ông đứng lại đó một mình.
“Các anh tìm gì thế?”: Đức Giêsu là người mở lời với hai bạn trẻ đang đi theo mình, lúng túng vì chưa biết cách làm quen. Câu hỏi này chờ một câu trả lời nói lên điều mình thao thức. “Thưa Rabbi, Thầy đang ở lại đâu?”  Họ muốn biết nhà của Thầy, cũng là biết chính bản thân Thầy. “Hãy đến và các anh sẽ thấy”. Thầy Giêsu mời các bạn ấy đến thăm nhà mình. Căn nhà ở Galilê xưa thường chỉ có một, hai phòng nhỏ. Ngài mời họ đi vào thế giới riêng tư của mình. Và họ đã mau mắn đáp lời, đã đến, và đã thấy nơi Ngài đang ở lại. Lúc đó đã bốn giờ chiều rồi. Thầy Giêsu hẳn đã giữ họ lại, vì sợ họ về trời tối đường xa. Ngày hôm ấy họ đã ở lại với vị Thầy mới quen. Qua cuộc chuyện trò suốt đường đi, nhất là khi về nhà, họ đã có kinh nghiệm cá nhân về con người Thầy Giêsu, kinh nghiệm đầu tiên, chưa thật sâu, nhưng không sao quên được. Họ đã ở lại nhà Thầy, đã bị lôi cuốn bởi nhân cách của Thầy, và thấy Thầy chính là Đấng mà họ đang tìm kiếm.
“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia” nghĩa là Đấng Kitô. Anrê vui sướng reo lên như vậy khi ông gặp Simon trước tiên. Anrê là một trong hai người đã đi theo và ở lại nhà Đức Giêsu. Bây giờ ông coi Thầy Giêsu là Đấng Mêsia, chứ không chỉ là một rabbi, nên ông nóng lòng muốn đưa Simon đến tiếp xúc với Ngài. Thầy Giêsu đặt cho Simon một tên mới, tên này người Do Thái ít dùng. Anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá, là Thạch (c.42). Không thấy Simon nói gì hay dẫn ai đến gặp ngay Đức Giêsu. Phải đợi sau này ta mới nghe ông đại diện anh em tuyên xưng: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (6,69).
Chúng ta sắp mừng Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa tỏ mình cho con người. Chúa đã tỏ mình cho Gioan, Anrê và Simon qua gặp gỡ trực tiếp, nhưng Chúa cũng tỏ mình cho họ qua người khác giới thiệu. Chúng ta cần những người có kinh nghiệm sâu lắng với Đức Giêsu, để giúp Ngài được hiển linh trong thế giới hôm nay.

Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu, Thầy là vị Tôn Sư tuyệt vời. Thầy gọi các môn đệ theo Thầy đi trên những nẻo đường quanh co của xứ Pa-lét-tin. Thầy không mở trường, không viết sách. Thầy giúp môn đệ học bài học của Thầy, bài học của trái tim, hiền lành và khiêm tốn.
Thầy dạy học trên đường. Thầy tập cho môn đệ nhìn những biến cố mỗi ngày với cái nhìn của Thiên Chúa. Thầy giúp họ thấy giá trị nơi đồng xu nhỏ của bà góa nghèo, thấy vẻ đẹp của hoa huệ, và sự vô tư của chim trời. thấy nét cao quý của trẻ thơ, và phẩm giá của người phụ nữ.
Thầy tập cho họ trưởng thành, tập đương đầu ban đêm một mình với sóng gió, tập tin vào Thiên Chúa khi phải nuôi ăn đám đông, tập can trường đối diện với cái chết nhục nhã và đau đớn. Thầy kéo họ ra khỏi cái tôi háo danh khi họ cãi nhau trên đường xem ai là người lớn nhất, Thầy đòi họ bỏ mọi sự mà theo Thầy, và đặt Thầy lên trên cả mạng sống và tình ruột thịt.
Lạy Thầy Giêsu, Khoa sư phạm của Thầy là  huấn luyện môn đệ bằng tình yêu. Một tình yêu kiên nhẫn khi họ yếu đuối và cứng lòng. Một tình yêu bênh vực và bảo vệ lúc họ bị tấn công. Một tình yêu chia sẻ khi cho họ cộng tác trong sứ vụ. Thầy đã diễn tả tình yêu đến cùng của Thầy khi cúi xuống rửa chân cho họ.
Xin cho chúng con suốt đời học với Thầy, nhận Thầy mãi mãi là vị Tôn Sư của chúng con. Và cùng với Thầy, chúng con đi khắp thế gian, để làm cho muôn dân thành môn đệ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét