Linh mục là người thế nào đối với
thế gian? Có phải một người xa lạ, sống giữa thế gian, nhưng không có những lo
âu, thắc mắc của thế gian, mà chỉ lo đến đời sau không? Có phải một người như
những người khác, không hơn không kém chăng? Thiết tưởng được hiểu biết thân phận
của linh mục trong thế gian, cần phải nghĩ đến linh mục có mặt ở thế gian để
làm gì?
I. Sống giữa
thế gian
Linh mục có mặt ở thế gian để cho
người ta nhìn thấy rằng: tuy ngài cũng là một người như ai khác, nhưng ngài có
một sứ mạng riêng. Sắc lệnh Công đồng rất rõ ràng ở điểm này: “Vì ơn thiên triệu
và vì chức thánh, các thầy tư tế của Tân Ước có thể nói là đã được chọn lọc giữa
dân Thiên Chúa; không phải để tách biệt khỏi dân này, hay khỏi bất cứ một người
nào; nhưng để được hoàn toàn hiến thân cho công cuộc, mà Chúa đã gọi các ngài
làm. Các ngài không có thể là người thừa hành của Chúa Kitô, nếu các ngài không
là chứng nhân và là người ban phát một sự sống, khác với sự sống đời này; các
ngài cũng không có thể phụng sự nhân loại, nếu các ngài xa lạ với đời sống và
điều kiện sinh hoạt của họ”.
Chúa Kitô đã làm gương một đời sống
hoà mình với nhân loại, mà vẫn khác nhân loại. Người là Con Một Thiên Chúa,
nhưng Người cũng là con người hoàn hảo, Người đã sống giữa chúng ta và Người đã
muốn nên giống chúng ta trong mọi sự, trừ sự tội (Dt 2,17; 4,15). Các tông đồ
cũng đã sống theo gương mẫu của Chúa. Thánh Phaolô cho biết: Ngài “đã được dành
riêng để rao giảng Phúc Âm của Chúa” (Rm 1,1), nhưng ngài cũng tuyên bố là ngài
phải thích ứng với mọi người để cứu vớt mọi người (1 Cr 9,19-23). Vì quan niệm
như vậy, nên thánh nhân đã định nghĩa chức linh mục như sau: “Được lựa chọn giữa
loài người và được cắt đặt vì ích lợi của loài người, trong mối liên lạc của họ
đối với Thiên Chúa, để dâng của lễ và của hiến tế cho tội nhân” (1 Cr 15,24).
II. Nhưng sống
khác thế gian
Đòi hỏi trên đối với linh mục chẳng
có gì là lạ lùng, người tín hữu cũng đã sống giữa thế gian, mà không thuộc về
thế gian. Họ đã phải là chứng nhân cho thế gian về đức tin của họ. Vì chức
thánh và vì sứ mạng của mình, linh mục còn có những đòi hỏi khác thêm vào đó nữa.
Những đòi hỏi ấy chính là điều phân tách linh mục với người khác, ví dụ như sống
độc thân, sống khó nghèo, hình thức vâng lời của kẻ thừa hành.
Ngày nay có người nghĩ rằng: phải
xoá bỏ các ngăn cách ấy để linh mục được gần gũi và hiểu biết người ta hơn. Do
đó, có người chủ trương để cho linh mục lập gia đình, để hiểu biết gia đình
hơn; có người chủ trương linh mục phải có một nghề nghiệp, để có những kinh
nghiệm của giới nghề nghiệp và được tự do trong vấn đề tài chánh vv... Nhưng
nghĩ như vậy là quên lý do hiện diện của mình trong thế gian. Ta chỉ hiện diện
trước mặt kẻ khác, khi họ nhận biết ta cũng là người như họ; nhưng điều kiện
này vẫn chưa đủ, họ còn phải nhận biết ta có những đặc tính của ta nữa. Nếu ta
giống họ mọi đàng, không còn có cái gì cho họ chú ý, thì không thể nói rằng: ta
hiện diện với họ được.
Như vậy, những bó buộc của bậc linh
mục như độc thân, khó nghèo vâng lời vv... không những không làm hại, mà còn
làm nổi bật sự hiện diện của linh mục trong thế gian. Thực vậy, những bó buộc ấy
chứng tỏ: từ khi Ngôi Lời nhập thể nhân tính của ta đã được thanh lọc và thánh
hoá dần dần, cho đến ngày được hiển vinh. Thanh lọc và thánh hoá chỉ có thể thực
hiện qua đau khổ và thập giá. Do đó, không có những bó buộc trên, sự hiện diện
của linh mục trong thế gian sẽ hết ý nghĩa. Lúc ấy, linh mục sẽ như muối đã lạt,
như đèn đã tắt; và như vậy, ta sẽ đáng nghe lời nguyền rủa của Chúa (Mt 5,13).
III. Thích
nghi với thế gian
Nếu linh mục không được sống theo
gương mẫu của thế gian và phải nhớ những bó buộc tôn giáo của mình, linh mục
cũng không được quên rằng: mình chỉ hiện diện hữu hiệu giữa nhân loại, khi mình
chứng tỏ mình cũng là người đầy đủ như họ. Về điểm này, sắc lệnh Công đồng viết:
“Sứ mạng các ngài buộc các ngài sống trong thế gian, giữa người ta, và như những
mục tử tốt, các ngài phải biết con chiên của mình...”.
Sống trong thế gian, sống giữa người
ta, là sống thích nghi với thời đại và con người của thời đại, nói khác đi, là
có những tư tưởng, cảm xúc, thói tục, ăn mặc, tiếng nói mà thời đại này hiểu được.
Linh mục sẽ không có thể được người thời đại chấp nhận, nếu có những tư tưởng lạc
hậu về khoa học, tự do, bình đẳng, những thói tục xa xưa ngày nay không ai theo
nữa, những cách ăn nói “kiểu nhà thầy” người đời này cho là kỳ cục, hoặc không
hiểu...
Trong một xã hội đang biến đổi như
xã hội Việt Nam, chúng ta càng phải thận trọng, theo dõi thời đại, để khỏi trở
nên lỗi thời, lố bịch, đối với người ta. Phải thú nhận rằng: Những người trẻ,
nhất là những người có học, nhiều lúc đứng trước linh mục, thấy rằng: các ngài
xa họ quá, không thể hiểu họ được. Thực ra, ngày nay không riêng gì linh mục,
mà bậc phụ huynh ngoài đời cũng ca thán rằng: mình không hiểu nổi con em mình nữa.
chúng sinh ra trong thời buổi tao loạn, chúng lớn lên nơi đất khách quê người,
chúng hấp thụ một nền văn minh có tính cách quốc tế hơn...
IV. Biết đối
thoại với thế gian
Lẽ tất nhiên, cách cảm nghĩ suy tư
của chúng khác ta, và cách suy tư cảm nghĩ của con cháu chúng còn khác ta hơn nữa.
Nhưng chúng khác ta không nghĩa là chúng đã đi sai, chúng đã ra xấu. Mỗi thời đại
có những cái dở và những cái hay của nó. Bổn phận của người mục tử là nhận biết
giá trị đích thực của mỗi thế hệ, để mà dẫn dắt họ. Thái độ mà Công đồng
Vaticanô II khuyên phải có là thích nghi và đối thoại, nghĩa là quên mình đi, đặt
mình vào hoàn cảnh của người ta, để mà tìm hiểu người ta. Một thái độ khác mà
Công đồng đã nhắc đến trong hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế gian hiện đại,
là lạc quan. Chúa Kitô đã cứu chuộc mọi thời đại, nên mọi thời đại đều có mọi
ưu điểm cho công cuộc cứu chuộc và những khuyết điểm. Bổn phận chúng ta là phải
nhìn biết các “dấu chỉ của thời đại”, nghĩa là những sự kiện mới xảy ra để mà
tìm hiểu con đường nhân loại tiến đến sự giải thoát phải đi qua đâu? Không biết
những “dấu hiệu của thời đại”, chúng ta không dẫn dắt được ai, vì chúng ta cũng
không biết đường mà đi.
Để có tinh thần cởi mở như trên, cần
phải theo dõi các tiến triển về văn hoá, xã hội, nhưng cũng cần phải có những đức
tính cần thiết trong việc giao tiếp với kẻ khác như sự nhân từ, lòng thành thật,
tính tế nhị, đời sống luân lý quang minh, sự công bình. Tóm lại, những điều mà
thánh Phaolô đã căn dặn: “Những gì thật, đáng tôn trọng, những gì công bình,
trong sạch, đáng mến yêu, những gì nhân đức và đáng ca tụng, thì hãy coi đó là
đối tượng cho tư tưởng của anh em” (Pl 4,8).
Như trên, thân phận của linh mục là
sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Vị trí này đòi chúng ta phải
sáng suốt và tỉnh thức trong mọi giây phút đời ta, vì vị trí ấy như vị trí kẻ
đi trên dây, không khéo một chút là ta mất quân bình ngay. Sống như người đời,
ta sẽ không còn là những người dành riêng của Chúa nữa. Nhưng sống tách biệt khỏi
đời, ta sẽ không được người đời chấp nhận nữa và bằng chứng của ta sẽ vô hiệu
quả.
Tự vấn
lương tâm
Tôi có bao giờ suy nghĩ về vị trí của
linh mục trong thế gian không? Tôi có nghĩ rằng: hiểu biết vị trí ấy rất cần
không? Không biết vị trí ấy tôi lấy tiêu chuẩn nào để có thái độ và để hành động?
Tôi khác biệt giáo dân ở những sự
gì? Có phải ở một địa vị xã hội trưởng giả không? Có phải vì bộ áo dòng không?
Có phải ở đời sống nhàn hạ, không phải chân lấm tay bùn không? Có phải ở trình
độ trí thức thực sự hay ảo tưởng của tôi không? Nếu đó là những khác biệt của
tôi với giáo dân, tôi có cho đó là những khác biệt thiết yếu của chức linh mục
không? Tôi có cố bám lấy những cái đó, và nghĩ rằng: mất nó thì linh mục sẽ
không còn là gì nữa không? Thực sự, tôi phải khác với người khác ở đâu? Khi chịu
chức thánh, tôi đã nhận được gì và đã có những bổn phận nào? Tôi có thấy rằng:
ngày tôi chịu chức thánh, đời tôi đã những bổn phận rõ ràng là giảng lời Chúa,
làm các bí tích và dẫn dắt các giáo hữu trong đức tin không? Tôi có đem hết khả
năng để làm trọn nhiệm vụ trên không? Tôi có quý đời sống độc thân, khó nghèo
và vâng lời không?
Tôi có vì lý do đã được dành riêng
vào công việc thánh mà sống biệt lập với người khác không? Tôi có tìm hiểu nhu
cầu vật chất, hoài bão tinh thần của những người thế gian không? Hay tôi sống
giữa họ mà vẫn xa lạ với họ, không hiểu gì đến những lo âu, đau đớn của họ. Thế
giới chuyển mình, đất nước thay đổi, tôi có theo dõi một cách sáng suốt không?
Nếu tôi không hiểu tâm trạng người ta, làm thế nào tôi sẽ chuyện trò với họ được,
làm thế nào họ sẽ tin cậy ở tôi được, làm thế nào tôi sẽ giảng lời Chúa cho họ
nghe theo và hướng dẫn họ được?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhập thể để
sống giữa nhân loại, hầu cứu vớt nhân loại, xin Chúa dạy con biết tiếp tục sứ mạng
đó cách chu toàn.
Lm Jos Thân Văn Tường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét