Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Suy niệm Thứ Bảy Tuần Thánh với Đức Bênêđictô XVI - Bài III: Hướng về ánh sáng phục sinh


Trong Sách Nguyện Rôma, phụng vụ của Tam Nhật Thánh được sắp đặt một cách đặc biệt; qua những lời nguyện, Hội Thánh ước mong thông chuyển cho ta thực tại cuộc khổ nạn của Chúa, rồi xuyên qua và vượt qua các từ ngữ, ta đi đến cái cốt lõi thiêng liêng của những biến cố xẩy ra. Nếu muốn diễn tả bằng cách thâu tóm lại trong một vài từ ngữ các kinh nguyện phụng vụ của ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, thì trước hết, ta phải nói đến hiệu năng của niềm bình an sâu xa toát ra từ đó. Chúa Kitô đã thấu nhập vào sự ẩn mình (Verborgenheit), nhưng trong cùng một lúc và tận ở cái cốt lõi của niềm tăm tối bất khả thấu nhập, Ngài đã đi sâu vào sự an toàn (Geborgenheit). Quả thế, Ngài đã trở thành niềm chắc chắn tối hậu. Thế là lời khích lệ của Vịnh gia đã trở thành sự thật: “Ngay cả khi con muốn lẩn trốn vào nơi địa ngục, thì Chúa cũng ở đó rồi.” Càng đi sâu vào trong phụng vụ, ta càng thấy nhiều thêm những tia sáng Phục Sinh chói lọi trong đó, y như vầng hào quang của ánh bình minh. Trong khi ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mở ra trước mắt ta cái dung nhan méo mó của kẻ bị đóng đinh, thì phụng vụ ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh lại phản ảnh nhiều hơn cái bóng dáng cây thánh giá thật thân gần với Hội Thánh ngày xưa: bóng thánh giá phủ đầy ánh sáng, trong cùng một lúc, vừa là dấu chỉ của sự chết, vừa là chỉ dấu của sự phục sinh.
Vì thế, ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh nhắc nhở ta một khía cạnh của lòng thương xót Kitô giáo, có thể đã bị mai một với thời gian. Khi ngước lên thánh giá cầu nguyện, ta thường nhìn nó chỉ như một dấu chỉ cuộc khổ hình lịch sử của Chúa trên đồi Golgotha. Thế nhưng, nguồn gốc việc tôn sùng thánh giá đã đổi thay: ngày xưa, khi cầu nguyện, các tín hữu quay mặt về hướng Đông, vừa nói lên niềm hy vọng rằng Chúa Kitô, là mặt trời chân chính, sẽ mọc lên trên dòng lịch sử, vừa biểu lộ niềm tin vào ngày Chúa sẽ trở lại. Trước hết, thánh giá được trực tiếp gắn liền với ý hướng cầu nguyện này. Nó được biểu hiện như một tấm bích chương được giương lên khi vị hoàng đế giáng lâm; trong hình ảnh thánh giá, đội tiền phong của đoàn quân đã xuất hiện giữa lòng đám người đang cầu nguyện. Đối với các Kitô hữu ngày xưa, thánh giá vượt lên trên tất cả mọi dấu ấn hy vọng. Nó trỏ về một Đức Chúa sắp đến hơn là một Đức Chúa của quá khứ. Hẳn nhiên, với thời gian, ta không thể không cảm thấy nhu cầu nội tại ngoái nhìn về biến cố đã xẩy ra: điều thiết yếu là bảo vệ cái bản chất bao dung đến điên cuồng của tình Chúa yêu thương thế nhân khốn cùng, đến nỗi đã trở thành một phàm nhân, ôi phàm nhân tuyệt vời! Phải bảo vệ tình yêu Chúa chống lại những xu hướng trốn tránh điều linh thánh, chống lại mọi cái nhìn sai lạc về việc Thiên Chúa nhập thể. Phải bảo vệ tính ngu dại thánh thiện của tình Chúa yêu thương, Đấng đã cố ý không muốn biểu dương quyền lực, mà đã chọn con đường yếu nhược đến bất lực để đẩy những ước mơ quyền lực của ta lên cái giá treo cổ và đánh bại nó từ trong trứng nước.
Nhưng liệu như thế có phải là ta đang quên đi mối dây liên kết giữa thánh giá và niềm hy vọng, giữa quá khứ và tương lai trong Kitô giáo, và quên rằng hướng Đông và hướng thánh giá cũng chỉ là một mà thôi chăng?. Thần khí của hy vọng đang thổi làn hơi sinh động trong những lời nguyện của ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh phải một lần nữa thấu nhập vào toàn thể cuộc hiện hữu Kitô giáo của ta. Kitô giáo không chỉ là một tôn giáo của quá khứ, mà hơn hết, còn là tôn giáo của tương lai; niềm tin Kitô giáo cũng chính là niềm hy vọng, bởi vì Chúa Kitô không chỉ đã chết và đã sống lại, mà Ngài còn là đấng sẽ lại đến.
Lạy Chúa, xin dùng mầu nhiệm của niềm hy vọng này để soi sáng lòng trí chúng con hầu cho chúng con nhận ra dòng ánh sáng chiếu toả từ thánh giá Chúa. Xin ban cho các tín hữu Chúa đây biết mau bước hướng về tương lai, mong chờ cuộc gặp gỡ trong ngày Chúa lại đến. AMEN.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong bóng tối của cái chết, Chúa đã chiếu toả một tia ánh sáng rạng ngời; trong vực thẳm nỗi cô đơn tuyệt cùng, tình yêu bao dung đầy quyền lực của Chúa nay sống mãi muôn đời; trong nỗi thống khổ của việc Chúa ẩn mình, giờ đây chúng con có thể cất tiếng hát lên bài Allêluia của những kẻ được cứu thoát. Xin ban cho chúng con lòng tin khiêm tốn đơn sơ, khiến chúng con không lạc bước khi Chúa gọi chúng con trong những giờ phút tăm tối, lúc chúng con thấy như bị bỏ rơi, và khi mọi sự đều chất ngất khó khăn; xin ban cho chúng con, khi đang chới với giữa một cuộc chiến sống còn, nhuốm mầu chết chóc, được nhìn thấy ánh sáng để không lạc mất Chúa; xin chiếu sáng chúng con để đến lượt mình, chúng con có thể dọi chiếu ánh sáng ấy đến cho những ai đang cần đến. Xin làm cho mầu nhiệm Niềm Vui Phục Sinh của Chúa bừng sáng lên như vầng hào quang của ánh bình minh, toả lan trên dòng đời chúng con đang sống; xin cho chúng con thực sự trở thành những con người của Phục Sinh ngay giữa ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh lịch sử. Xin ban cho chúng con, khi đang sống những chuỗi ngày thời đại tranh tối tranh sáng hôm nay, được luôn thấy mình mang những trái tim vui tươi bước đi trên đường hướng về vinh quang ngày mai của Chúa. AMEN.
Joseph Ratzinger
Nguyễn Kim Ngân phiên dịch

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét