Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh – Bài giảng ĐTC Phan-xi-cô CN Lễ Lá



Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 10h sáng Chúa Nhật 25/3. Đây cũng là Ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận lần thứ 33.
Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây tháp bút ở giữa Quảng trường và cuộc rước lá diễn ra tiếp theo đó với sự tham dự của đông đảo các bạn trẻ của giáo phận Rôma và đặc biệt là 300 bạn trẻ trên thế giới về Rôma tham dự khoá họp Tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên. Thánh Lễ đã được diễn ra tại trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chia sẻ trong niềm vui và bầu khí tưng bừng của dân chúng đang ca ngợi Chúa của họ; một niềm vui sẽ mờ dần và để lại một hương vị cay đắng và sầu buồn vào cuối trình thuật cuộc Thương khó. Buổi lễ này dường như kết hợp những câu chuyện vui mừng và đau khổ, sai lầm và thành công, là những mảng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong tư cách là các môn đệ của Chúa. Bằng cách nào đó, nó diễn tả những cảm xúc trái ngược nhau mà cả chúng ta, những người nam nữ ngày hôm nay, cũng cảm thấy: đó là khả năng yêu mến thật bao la... bên cạnh lòng căm thù tận xương tủy; khả năng can đảm hy sinh quên mình, lẫn với khả năng “rửa tay” đúng lúc; bên cạnh năng lực trung thành, còn có sự bỏ rơi và phản bội.
Chúng ta cũng thấy rõ xuyên suốt Tin Mừng rằng niềm vui Chúa Giêsu khơi dậy, đối với một số người, lại là căn cớ cho sự tức giận và khó chịu.
Chúa Giêsu tiến vào thành vây quanh bởi dân Ngài và những tiếng ca hát reo hò huyên náo. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng giữa những tiếng hò reo ấy, có tiếng hô của người con trai được tha thứ, của người phong cùi được chữa lành, hoặc tiếng kêu be be của con chiên lạc. Rồi cũng có tiếng hát của người thu thuế và của người đàn ông từng bị ô uế; lẫn với tiếng kêu của những người sống bên lề thành phố. Và cũng có những tiếng kêu của những người nam nữ đã đi theo Chúa Giêsu vì họ cảm nhận được lòng từ bi của Ngài trước những đau đớn và bất hạnh của họ... Những tiếng reo hò ấy là bài hát và là niềm vui tự phát của tất cả những ai bị bỏ lại phía sau và bị người đời chê chối, những người, sau khi đã chạm được vào Chúa Giêsu, có thể hô vang lên: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Làm sao họ có thể không ca ngợi Đấng đã phục hồi nhân phẩm và hy vọng của họ? Niềm vui của họ là niềm hân hoan của cơ man những người tội lỗi được tha thứ, là những người giờ đây có thể tin tưởng và hy vọng một lần nữa.
Tất cả niềm vui này và sự tán tụng này là căn cớ gây khó chịu, gây ra tai tiếng và tức tối cho những người tự coi mình là công chính và “trung thành” với lề luật và các khuôn mẫu nghi lễ của lề luật. [1] Đó là một niềm vui không thể chấp nhận được của những ai lòng chai dạ đá trước những đau thương, chịu đựng, và bất hạnh. Một niềm vui không thể chấp nhận được đối với những người đã quên bao nhiêu những cơ hội được trao ban cho chính bản thân họ. Thật khó biết bao cho những người tự mãn và tự coi mình là công chính có thể hiểu được niềm vui và cử mừng lòng thương xót của Thiên Chúa! Thật khó biết bao cho những người chỉ tin tưởng vào bản thân mình, và coi thường người khác, để có thể chung chia niềm vui này. [2]
Còn đây là nơi xuất phát một loại la hét khác, đó là tiếng gào quyết liệt của những kẻ đang hét to: “Đóng đinh nó đi!” Những tiếng kêu ấy không phải là tự phát nhưng đã được vũ trang bởi những lời phỉ báng, vu khống và làm chứng dối. Đó là tiếng nói của những người uốn nắn thực tại và chế tác ra những câu chuyện vì lợi ích riêng của họ, mà không cần quan tâm đến danh thơm tiếng tốt của người khác. Đó là tiếng gào của những người không thấy có vấn đề gì trong việc tìm kiếm mọi cách để đạt được quyền lực và để bịt miệng những tiếng nói trái chiều với mình. Tiếng kêu đó xuất phát từ việc “nhào nặn” các sự kiện và tô vẽ chúng để làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Giêsu và biến Người thành ra một tên “tội phạm”. Đó là tiếng nói của những người muốn bảo vệ vị trí của mình, cách riêng là bằng cách làm mất uy tín của những người vô phương tự vệ. Đó là tiếng gào thể hiện sự tự mãn, tự hào và kiêu ngạo của những kẻ không thấy có vấn đề gì khi hét lên: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó”.
Và vì thế, cuối cùng, việc cử mừng của người dân bị dập tắt. Hy vọng bị tắt ngấm, giấc mơ bị chôn vùi, niềm vui bị vùi dập; con tim bị đóng lại và lòng mến ra nguội lạnh. Đó là tiếng kêu “hãy cứu mình đi”, làm thui chột cảm thức về tình liên đới của chúng ta, hạ giảm những lý tưởng của chúng ta, và làm mờ tầm nhìn của chúng ta... đó là tiếng gào muốn xóa sạch lòng thương cảm.
Đối mặt với những người như thế, phương dược tốt nhất là nhìn vào thập giá của Chúa Kitô và để mình được thách thức bởi tiếng kêu cuối cùng của Người. Ngài chết đi khi đang thốt lên tình yêu của mình cho mỗi người chúng ta, người già người trẻ, những bậc thánh nhân và những kẻ tội lỗi, những người trong thời của Người và những người trong thời đại của chính chúng ta. Chúng ta đã được cứu bởi thập giá của Người và không ai có thể đè nén niềm vui của Tin Mừng; không ai trong bất kỳ tình huống nào, bị tách biệt khỏi cái nhìn thương xót của Chúa Cha. Nhìn lên cây thập giá có nghĩa là để những ưu tiên của chúng ta, những lựa chọn và hành động của chúng ta bị thử thách. Nó có nghĩa là chất vấn mình về sự nhạy cảm đối với những ai gặp khó khăn. Trái tim của chúng ta tập trung vào đâu? Liệu Chúa Giêsu có còn tiếp tục là một nguồn mạch của niềm vui và tán tụng trong trái tim của chúng ta, hay những ưu tiên và những mối quan tâm trong lòng làm cho chúng ta xấu hổ khi nhìn vào những người tội lỗi, những người rốt cùng và những người bị lãng quên?
Các bạn trẻ thân mến, niềm vui mà Chúa Giêsu đánh thức trong các bạn là căn cớ cho sự tức giận và khó chịu đối với một số người, vì khó mà thao túng được một người trẻ tuổi vui tươi.
Nhưng hôm nay, một loại la hét thứ ba có thể đang vang lên: “Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisêu nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!’ Người đáp: ‘Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!’” (Lc 19: 39-40).
Sự cám dỗ muốn bịt miệng những người trẻ luôn luôn tồn tại. Chính những người Pharisiêu đã quở trách Chúa Giêsu và đòi Ngài bắt họ phải im lặng.
Có rất nhiều cách để bịt miệng những người trẻ và làm cho họ thành ra vô hình. Có nhiều cách để gây tê họ, để làm cho họ im lặng, không hỏi gì, không thắc mắc điều chi. Có rất nhiều cách để làm họ vô cảm, để giữ cho họ không dự phần vào, để biến ước mơ của họ thành nhạt nhẽo và tầm thường, vụn vặt và ảm đạm.
Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá này, khi chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho tất cả những người Pharisêu xưa và nay: “Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19:40).
Các bạn trẻ thân mến, trong lòng các bạn có điều để gào lên. Tùy thuộc vào các bạn lựa chọn tiếng hô vang “Hosanna” của ngày Chúa Nhật, để khỏi phải gào lên tiếng hét “Đóng đinh nó đi!” của ngày thứ Sáu... tùy thuộc vào bạn đừng giữ im lặng. Ngay cả khi những người khác giữ im lặng, nếu những người già chúng tôi và các nhà lãnh đạo giữ im lặng, nếu cả thế giới này giữ im lặng và đánh mất đi niềm vui của mình, tôi hỏi các bạn: Liệu các bạn có kêu lên không?
Xin vui lòng lựa chọn, trước khi sỏi đá sẽ kêu lên.
Nguồn: Vietcatholic News 
[1] Cf. R. Guardini, The Lord, Chicago, 1959, 365.
[2] Cf. Apsotolic Exhortation Evangelii Gaudium, 94.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét