Lời Chúa: Lc 11, 14-23
Bấy
giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người
câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.15 Nhưng trong số đó có mấy người lại
bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.”16 Kẻ khác lại muốn thử
Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ,
nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu
Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi
lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế
Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính
họ sẽ xét xử các ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả
là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21 Khi một người mạnh được vũ trang
đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.22 Nhưng nếu
có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí
mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. 23 “Ai
không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
Suy niệm:
Đức
Giêsu vừa mới trục xuất được một quỷ câm. Khi quỷ xuất ra thì người câm nói
ngay được (c. 14). Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông, còn có sự vu
khống xuyên tạc của một số người khác. Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ
dựa dẫm Bêendêbun. Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan. Người
Do-thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20). Ở đây, Bêendêbun
chính là quỷ vương, là Xatan (c. 18). Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng
phe với quỷ, dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.
Đức
Giêsu cho thấy sự sai lầm của lập luận này. Ngài nhắc đến nước của Xatan, một
nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18). Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ
giữa các quỷ với nhau, nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.
Vả lại, có những người Do-thái khác cũng trừ quỷ như Ngài. Có ai dám bảo là họ
thông đồng với quỷ vương không ? (c. 19).
Đức
Giêsu vén mở cho thấy ý nghĩa của việc Ngài trừ quỷ. “Nếu tôi dùng ngón tay
Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20).
Nước Thiên Chúa đến qua việc Đức Giêsu giải phóng.
Ngài
giải phóng con người khỏi bệnh tật thân xác. Ngài trả lại cho con người khả
năng nghe, nói, nhìn. Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra. Ngài
trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ. Trên hết, Ngài giải
phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình. Ngài mở con người ra trước nỗi
đau và cô đơn của anh em. Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim
Thiên Chúa. Như thế là con người được thật sự tự do. Chỗ nào có tự do thật sự,
chỗ đó có Nước Thiên Chúa. Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Xatan phải
lui đi.
Cuộc
chiến giữa Nước Thiên Chúa và nước Xatan vẫn tiếp diễn, nhưng Nước Thiên Chúa
đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời
chúng ta cộng tác. Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ
tạo nào, không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại? Quỷ vẫn là kẻ mạnh,
được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21). Nhưng Thiên Chúa và Chúa
Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22). Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và
phân chia chiến lợi phẩm.
Trong
cuộc chiến này, chúng ta không có quyền mập mờ, hàng hai. Mùa Chay mời chúng ta
đứng hẳn về phía Giêsu, vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài, ai không thu
góp với Giêsu là phân tán (c. 23). Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu
chiến đấu cho Nước Cha.
Lời nguyện
Lạy
Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy
mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra. Xin giúp chúng
con được tự do thực sự: tự do trước những đòi hỏi của thân xác, tự do trước đam
mê của trái tim, tự do trước những thành kiến của trí tuệ. Xin giải phóng chúng
con khỏi cái tôi ích kỷ, để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm
trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con được tự do như Chúa. Chúa tự do trước những ràng
buộc hẹp hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi và chữa bệnh ngày Sabát. Chúa
tự do trước những thế lực đang ngăm đe, khi Chúa không ngần ngại nói sự thật. Chúa
tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến
cùng. Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng, để chúng con được tự
do bay cao.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét