Càng ngày người ta càng nhấn mạnh rằng
hôm nay Thiên Chúa đã chết rồi. Lần đầu tiên người ta nói thế, trong tác phẩm của
Jean Paul, đó thật là một giấc mộng hãi hùng: Giêsu, kẻ đã chết, công bố với những
người đã chết, từ trên thượng tầng thế giới rằng, khi du hành sang qua bên kia
thế giới, ông chẳng thấy gì cả, không thiên đàng, không Thượng Đế từ nhân, chỉ
có hư không biền biệt, và niềm im lặng của cõi hư vô trống rỗng. Đó vẫn còn là
giấc mộng rùng rợn, bị xô đẩy sang một bên, tan biến dần khi trở giấc, đúng
theo kiểu của mộng mơ, cho dù nỗi ưu tư nó mang đến sẽ chẳng bao giờ biến tan
được, bởi vì lúc nào nó cũng nằm chờ đợi, đầy vẻ nham hiểm, ở sâu trong đáy
lòng.
Một thế kỷ sau, trong tác phẩm của
Nietzsche, điều đó lại trở thành một lối trịnh trọng đến chết người, được diễn
đạt bằng một tiếng kêu, chất đầy kinh hãi: “Thượng Đế đã chết! Thượng Đế còn tiếp
tục chết! Chính chúng ta đã giết Ngài!” Năm mươi năm sau, người ta luận bàn về
điều này một cách phóng khoáng theo kiểu hàn lâm, và rồi người ta chuẩn bị cho
một thứ “thần học đàng sau cái chết của Thượng Đế,” trong khi đưa mắt dáo dác
dõi tìm nẻo đường đi tới. Người ta khích lệ nhau chuẩn bị cho việc thế chỗ cho
Thượng Đế. Mầu nhiệm kinh hoàng của ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, vực thẳm im lặng của
nó, chính ngày hôm nay, đã thủ đắc được một thực tại tan nát. Bởi lẽ, hôm nay
là Thứ Bẩy Tuần Thánh: ngày Thiên Chúa ẩn mình, ngày của cái nghịch lý chưa từng
có mà ta đọc được trong Kinh Tin Kính với những lời như: “xuống ngục tổ tông,”
đi sâu vào lòng mầu nhiệm sự chết. Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ta còn nhìn
thấy hình hài kẻ bị đóng đinh. Nhưng sang đến ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, hoàn
toàn trống vắng, tảng đá che mồ đang phủ lấp người đã chết, tất cả đã chấm hết,
niềm tin dường như đã dứt khoát bị lột mặt nạ trơ ra thành một thứ cuồng tín.
Chẳng có vị Thiên Chúa nào cứu nổi ông Giêsu này dù với tư cách là Con Thiên
Chúa. Chẳng còn phải lo lắng gì nữa: kẻ thận trọng đã có lúc do dự, đã băn
khoăn tự hỏi xem liệu sự việc có thể khác đi được chăng, hay có thể xẩy ra đúng
y như mình tưởng không. Thứ Bẩy Tuần Thánh: ngày Thiên Chúa được mai táng; đó
không phải là ngày ta đang sống đây sao? Thế kỷ này chẳng phải đã đánh dấu sự
khởi đầu của một ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh dài dằng dặc, ngày mà Thiên Chúa vắng
mặt, và khi ngay cả tâm hồn các môn đệ cũng đắm chìm trong một hố thẳm cóng lạnh,
càng ngày như càng khoét sâu thêm, để rồi khi trở về nhà, lòng các ông trĩu nặng
niềm xấu hổ và ưu tư, tinh thần rã rời, trống rỗng và tuyệt vọng, lê bước trên
đường về Emmaus, thật không ngờ kẻ mà mình tin rằng đã chết, nay lại đang hiện
diện giữa các ông? “Thiên Chúa đã chết, và chúng ta đã giết Ngài”: có bao giờ
ta ý thức rằng câu nói này đã được lấy ra, từng chữ một, từ trong truyền thống
Kitô giáo, và trong khi đi đàng thánh giá, chúng ta cũng thường lặp lại câu nói
ấy mà không hề nhận thức được hết cái sức nặng khủng khiếp của điều ta thốt
lên? Ta đã giết Ngài, khi giam hãm Ngài trong cái vỏ rệu rã của lối nghĩ suy cũ
kỹ sáo mòn, khi đầy ải Ngài vào một cõi hình thức xót thương rỗng tuếch, khiến
Ngài bị mất hút trong cái vòng tròn của những lời lẽ đạo đức, hoặc của những thứ
của cải cổ lỗ. Ta đã giết Ngài khi lối sống hàm hồ của ta buông phủ bức màn tăm
tối che lấp đi hình ảnh của Ngài. Quả vậy, còn điều gì làm cho Thiên Chúa trở
thành vấn đề trong thế giới hôm nay ngoài chính niềm tin và tình yêu của người
tín hữu, vốn tự nó đã chất chứa đủ mọi thứ vấn đề?
Sự khuất bóng Thiên Chúa ngày hôm
nay, trong thế kỷ này, đang dần trở thành một ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh dài dằng
dặc. Sự khuất vắng này đang lên tiếng gọi mời lương tâm chúng ta. Nhưng dù sao
chăng nữa, điều đó cũng an ủi ta phần nào. Cái chết của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
Kitô cùng một lúc biểu lộ tình Ngài triệt để liên đới với ta. Cùng một lúc, cái
mầu nhiệm tăm tối nhất của đức tin lại cũng chính là dấu chỉ sáng chói nhất của
một niềm hy vọng vô tận. Còn hơn thế nữa, chỉ qua cái thất bại của ngày Thứ Sáu
Tuần Thánh, chỉ qua niềm thinh lặng của nỗi chết trong ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh
mà các môn đệ mới mở trí ra để thấu hiểu được chân tính của Chúa Giêsu và chân
lý của sứ điệp Ngài. Thiên Chúa phải chết cho họ thì Ngài mới sống thực nơi họ.
Cái hình ảnh không tốt đẹp mà họ có về Thiên Chúa phải bị xoá bỏ, ngõ hầu, qua
đống hoang tàn của căn nhà đổ nát, họ có thể thấy được bầu trời cao xanh, và
nhìn nhận Ngài vẫn mãi vĩ đại, cao cả vô biên. Ta cần đến niềm im lặng của
Thiên Chúa để có thể cảm nghiệm lại được cái hố thẳm nơi vẻ cao cả của Ngài và
cái vực sâu trong nỗi hư vô của ta, cái cõi thăm thẳm ấy sẽ cứ mãi ngoác to hơn
và khoét sâu thêm, nếu không có Ngài.
Có một hoạt cảnh Tin Mừng lột tả hết
sức kỳ diệu niềm thinh lặng của ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, và do đó, một lần nữa,
phản ảnh trung thực cái giai đoạn lịch sử mà ta đang sống. Chúa Kitô đang thiêm
thiếp ngủ trên mạn thuyền, giữa cảnh phong ba bão táp. Ngôn sứ Êlia đã có lần
diễu cợt các tư tế tôn thờ thần Ba-al khi họ gào thét khẩn cầu thần linh của họ
cho lửa xuống thiêu đốt hy lễ. Ông khích bác họ nên hò hét dữ dội hơn, ngộ nhỡ
vị thần của họ đang còn say ngủ. Thế nhưng, có đúng là Thiên Chúa không hề ngủ
say chăng? Có phải lời diễu cợt của vị ngôn sứ đã chẳng rơi xuống trên đầu các
tín hữu hằng tôn thờ Đức Chúa của Israel, là vị đang cùng ta ở trên một con
thuyền sắp sửa đắm chìm? Thiên Chúa thì say ngủ trong khi các tín hữu của Ngài
sắp sửa chết đuối? Đó chẳng phải là cái kinh nghiệm của cuộc đời ta đang sống
hay sao? “Hội Thánh, niềm tin, chẳng giống như chiếc thuyền mong manh sắp đắm
chìm vì không cưỡng nổi những đợt sóng cả và những trận cuồng phong dập vùi,
chính trong cái giờ khắc mà Thiên Chúa tưởng như đang vắng mặt đó sao?” Các môn
đệ đang kêu cứu đến tuyệt vọng. Họ vội đánh thức Ngài dậy. Thế nhưng Chúa lại tỏ
vẻ ngạc nhiên và quở trách họ vì lòng tin yếu kém. Tình trạng này có hề khác với
những gì đang xẩy đến cho ta chăng? Khi giông bão đã qua đi rồi, ta sẽ hiểu
ngay rằng sự yếu tin đã khiến ta trở thành ngu muội biết bao nhiêu.
“Chúa ơi, làm sao chúng con có thể
không đánh thức Chúa dậy được, bởi vì Chúa cứ mãi lặng im, cứ mãi ngủ say, còn
chúng con thì không thể không kêu gào: thức dậy đi, Chúa ơi, Chúa không thấy
chúng con sắp chìm xuồng sao? Xin Chúa chỗi dậy, đừng để bóng tối của ngày Thứ
Bẩy Tuần Thánh phủ tràn mãi mãi. Xin Chúa cho tia sáng của ngày Phục Sinh toả
chiếu trên thời đại chúng con hôm nay. Xin Chúa đồng hành với chúng con đang
hoang mang lầm lũi tiến về Emmaus, để cho tâm hồn chúng con bừng nóng lên trong
sức ấm nồng toả ra từ sự hiện diện gần gũi của Chúa. Lạy Chúa, Chúa đã âm thầm ẩn
mình, len lỏi bước đi trên những nẻo đường Do Thái, để trở thành một con người
giữa lòng thế nhân, xin chớ để chúng con đắm chìm trong bóng tối; xin đừng để lời
Ngài biến tan đi trong lúc chúng con đang phí phạm lời nói, đang tuôn ra những
lời phù phiếm. Xin hãy giúp chúng con, bởi vì không có Chúa, chúng con sẽ chìm
lỉm mất thôi. AMEN.
Joseph
Ratzinger
Nguyễn Kim
Ngân phiên dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét