Thánh Phêrô Trương Văn
Thi sinh năm 1763 tại làng Kẻ Sở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam trong một gia
đình Công giáo nghèo nhưng được tiếng là gia đình rất đạo hạnh.
Năm 11 tuổi cậu Phêrô
Thi dâng mình vào Nhà Đức Chúa Trời để tu học và tập luyện các nhân đức, rồi cậu
Thi được gửi vào nhà trường để học La
tinh. Năm 33 tuổi thì thầy Phêrô Trương Văn Thi được trở thành Thầy Giảng. Thầy
sốt sắng và nhiệt tình với công vụ được trao phó. Thầy có nhiều sáng kiến và nhờ
lòng đạo đức cũng như tinh thần hăng say phục vụ nên Thầy rất thành công trong
công việc giảng dạy giáo lý và công cuộc truyền giáo. Sau ít năm, Bề trên nhận
thấy Thầy là người có nhiều khả năng tốt lại giầu lòng đạo đức nên Bề trên gọi
về học Thần học rồi tới ngày 22 tháng 3 năm 1806 Thầy lãnh chức linh mục năm 43
tuổi.
Ngay sau khi lãnh nhận
chức linh mục, Bề trên đã bổ nhiệm cha Phêrô Trương Văn Thi về coi sóc giáo xứ
Sông Chảy, thuộc phủ Đoàn Hùng, tỉnh Phú Thọ. Suốt cuộc đời linh mục của cha,
cha đã phục vụ giáo xứ này trong 27 năm trường, từ năm 1806 tới năm 1833.
Tới năm 1833 lúc cha
đã 70 tuổi, Bề trên lại bổ nhiệm cha về nhận chánh xứ Kẻ Sông cho tới năm 1839
được phúc tử vì đạo. Theo lời chứng của các tín hữu trong các giáo xứ này thì
cha Phêrô Trương Văn Thi “là một linh mục đạo đức rất đặc biệt. Mỗi ngày cha đọc
kinh lâu giờ ba bốn lần, dâng lễ nghiêm trang, ăn uống đạm bạc, thường ăn chay
các ngày thứ Sáu, mặc dầu sức khoẻ của Ngài rất yếu kém với chứng hay bị sốt và
đau bụng thường xuyên”. Cha Jeantet Khiêm, sau làm Giám mục Tây Đàng Ngoài đã
viết về cha Phêrô Trương Văn Thi như sau: “Tôi quen biết ngài từ năm 1835, tôi
cảm phục ngài về lòng đạo đức sâu xa, tính tình hiền hoà, khôn ngoan và rất
trung thành gìn giữ lề luật”. Cha sống rất nghèo khó, ngoài áo chùng thâm, cha
chỉ mặc bộ đồ nâu vải sồi như những người nông dân nghèo nàn trong vùng. Tại
nhà xứ, mọi người phải giữ kỷ luật nghiêm chỉnh, chăm chỉ học hành, đọc sách và
không được nói chuyện với nữ giới lâu giờ. Chính ngài, khi tiếp khách cũng rất
mực khiêm tốn, ít lời. Nhưng với các anh em linh mục thì ngài tỏ ra rất hiếu
khách, truyện trò vui vẻ, đón tiếp tận tình. Tuy là cha xứ một xứ lớn, nhưng
cha còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều họ lẻ nữa, vì thế trong một năm cha chỉ ở tại
nhà xứ chừng hai tháng, còn lại thì cha tới ở tại mỗi họ lẻ chừng một tháng để
lắng nghe và giúp đỡ, dạy dỗ và khuyến khích giáo hữu sống đạo tốt, thi hành đức
bác ái với nhau cách trọn vẹn hơn. Một lần kia khi cha tới giúp họ Thác Ba đi
trên chiếc thuyền đò qua sông bị đắm. Người đi theo giúp cha bị chết đuối, còn
cha sống sót nhờ may mắn ôm hòm đựng đồ lễ nên không bị chìm.
Tới năm 1838 do sắc lệnh
nghiêm ngặt của vua Minh Mạng cấm đạo trên toàn quốc rất dữ dội, cha Phêrô
Trương Văn Thi phải ẩn trốn trong các nhà giáo dân, nay đây mai đó, không thể
làm mục vụ được. Nhiều khi có những bệnh nhân hấp hối gần chết mà ngưòi ta cũng
không dám mời cha tới vì sợ cha bị bắt. Cha căn dặn họ phải giúp bệnh nhân dọn
mình chết lành, dâng phó mọi sự cho Chúa, để Chúa xếp liệu. Phần cha, vì tuổi
già sức yếu mà phải trốn tránh, sống chui rúc dưới hầm dưới hố nhưng cha rất
vui vẻ, can đảm, niềm nở với mọi người. Cha luôn tín thác mọi sự trong tay
Chúa. Có lần cha tâm sự với giáo dân, những người hay lui tới giúp đỡ cha trốn
tránh rằng: “Cha phó dâng hồn xác cha trong tay nhân từ của Chúa. Nếu Chúa muốn
cha dâng sự sống của Cha để làm chứng cho đạo thánh Chúa thì cha sẵn lòng vâng
theo ý Chúa. Cha chỉ sợ Chúa không nhận cha vì cha tội lỗi, bất xứng mà thôi”.
Ngày 10 tháng 10 năm
1839, cha Anrê Dũng Lạc ở xứ bên cạnh thường hay lui tới gặp cha Phêrô Thi để
bàn hỏi công việc mục vụ và xưng tội. Hôm ấy viên lý trưởng trong làng biết tin
cha Dũng Lạc tới và cha Thi đang trú ẩn tại nhà ông khán Hộ nên bất thần ông
đưa bốn người gia nhân đến bắt hai cha. Lúc bấy giờ là 12 giờ trưa. Lúc đầu lý
Pháp ra lệnh trói cả hai cha, nhưng sau thì lại ra lệnh cởi trói và mời hai cha
ngồi để nói chuyện. Lý Pháp hỏi hai cha:
- Các ông biết là đã
có lệnh vua cấm đạo Gia Tô rồi mà tại sao các ông còn ngoan cố sống lén lút và
đi truyền đạo?
Cha Phêrô Trương Văn
Thi trả lời:
- Thiên Chúa sai chúng
tôi đi để dạy người ta tập tành nhân đức, sống tốt lành, làm việc thiện ích,
tôn kính cha mẹ. Đạo chúng tôi không dạy điều gì sai trái cả.
- Dù đạo phải hay trái
không thành vấn đề, nhưng có lệnh vua cấm thì tôi phải bắt các ông.
Cha Dũng Lạc nói:
- Điều đó tùy ý các
ông. Chúng tôi luôn trung thành thi hành bổn phận của chúng tôi, dù có phải chết
vì đạo Chúa chúng tôi.
Tuy ông lý trưởng nói
thế, nhưng ông lại đề nghị nộp cho ông 200 quan thì ông sẽ trả tự do cho hai
cha. Hai cha nói, điều đó tùy các tín hữu. Lý trưởng Pháp cho gọi các tín hữu tới
để dàn xếp công việc. Khi các tín hữu mới góp được 100 quan, thì ông chỉ tha
cha Dũng Lạc, còn cha Thi thì ông ra lệnh giữ lại. Cha Dũng Lạc trên đường trở
về nhà, một toán lính khác lại phục kích bắt cha. Được tin đó, lý Pháp sợ bị lộ
nên không dám cho giáo hữu chuộc cha Thi nữa. Ông cho áp giải cha Thi về nộp
cho quan huyện Bình Lục. Trên đường bị giải về huyện Bình Lục, cha Phêrô Thi lại
gặp bọn lính khác cũng áp giải cha Dũng Lac về huyện. Thế là từ đây, hai cha
vui mừng cùng chung một số phận tù tội và được sống bên nhau cho tới khi lãnh
triều thiên tử đạo trên Nước Trời.
Tới huyện Bình Lục, vì
các tín hữu đã đút lót với quan huyện nên chỉ làm tờ trình là bắt được hai cha ở
ngoài đồng lúa để giáo dân không bị liên lụy. Quan huyện vui vẻ chấp nhận và
khi thấy cha Trương Văn Thi đã già yếu mà trời rất lạnh thì quan hỏi cha Thi có
chăn (mền) đắp không thì anh đội lính thưa thay cha rằng :
- “Ông Lý Pháp đã lấy
chăn và quần áo của cha rồi”.
Nghe nói thế, quan huyện
nổi nóng quát lớn:
- “Bảo Lý Pháp phải trả
lại ngay chiếc chăn và quần áo cho cha Thi”.
Quan huyện Bình Lục tiếp
đón các ngài rất tử tế, mời các ngài ngồi trên chiếc chiếu sạch sẽ, nói chuyện
đàng hoàng. Khi giáo dân dọn cơm thì quan bắt lấy mâm của mình mà dọn cho hai
cha ăn. Sau ba ngày, quan huyện Bình Lục cho giải hai cha về Hà Nội. Giáo dân
đông đảo theo khóc lóc. Nhìn cảnh cha con từ giã nhau, quan huyện xúc động an ủi
và hỏi:
- Đạo dạy những gì mà
các tín hữu thương khóc các ngài như thế hả?
Một bà cụ nghe quan
huyện hỏi thì thưa lại:
- Bẩm quan lớn, các Cụ
dạy chúng tôi những điều nhân đức. Chồng phải hiền lành, không cờ bạc, rượu
chè, gian dâm, còn vợ thì phải biết nhịn nhục, vâng lời chồng, thủy chung với
chồng. Con cái phải kính trọng cha mẹ, thảo hiếu với cha mẹ.
Thấy cha Thi vì già yếu,
đi không được nữa, quan bảo giáo dân
thuê cáng để đưa cha đi. Quan huyện Bình Lục rất trọng kính và quí mến
hai cha. Ngày hôm trước khi cho lệnh đưa nộp hai cha về Hà Nội, quan huyện cho
lệnh giết heo để cúng tế trời đất và lớn tiếng thanh minh:
- Không phải lỗi tại
tôi muốn bắt bớ những người hiền lành đạo đức như thế này. Nhưng chỉ vì lệnh
vua ban xuống, tôi phải vâng theo mà thôi. Xin án phạt có xuống thì xuống trên
người đã ra lệnh, bề dưới phải tuân theo mà thôi.
Hai cha được đưa lên
Hà Nội bằng thuyền theo đường sông Hồng Hà. Giáo dân kẻ đi thuyền người đi bộ,
đi theo rất đông. Ngày 16 tháng 11 thuyền cập bến. Hai cha bị áp giải đưa vào nộp
cho quan Tổng Đốc, và được giam trong trại gần cửa đông, không phải ở chung với
các tù nhân khác. Các lính gác cũng xử đối với hai cha rất tử tế. Họ nói:
- Chúng tôi biết các cụ
không phải như các tù nhân khác. Hai cụ hiền lành không nghĩ tới việc trốn nên
chúng tôi chẳng dám làm khổ các cụ.
Cha Thi vì già yếu nên
không phải đeo gông, còn cha Dũng Lạc thì chỉ phải đeo gông có 3 tối mà thôi.
Khi lính đưa đồ ăn tới cho hai cha thì hai cha lại chia sẻ cho lính canh gác
cùng ăn. Một ngày hai buổi các cha đọc kinh chung với nhau trong sự bình an,
tin cậy mọi sự nơi Chúa. Về vật chất thì có tổng Thìn và bà Ro thuộc nhà dòng Kẻ
Bối thường lui tới thăm nuôi.
Hai cha phải tra khảo
ba lần. Mỗi khi bị tra khảo thì cha Thi vì già yếu và tai bị hễnh hàng nên mọi
chuyện cha Dũng Lạc trả lời thay cho cha
Thi hết.
Quan huyện Bình Lục
cũng trình với quan đốc rằng “hai Cụ Đạo Trưởng thà chịu chết chứ không bước
qua ảnh đạo. Tôi đã thúc ép hai lần ở dưới huyện mà không sao thuyết phục được các
cụ. Hai cụ này hiền lành và thật tha, xin quan đốc thương xét”
Đã ba lần quan thượng
khuyên dụ hai cha quá khoá nhưng các ngài vẫn một mực cương quyết thà chết chứ
nhất định không bước qua Thập Giá. Có lần anh lính đã đẩy cha Thi ngã sấp mình
xuống cây Thập Giá. Cha ôm hôn Thập Giá. Cha Dũng Lạc cũng bị xô ngã. Nhưng cha
Dũng Lạc chỗi dậy được.
Các quan biết không thể
thuyết phục được hai vị chiến sĩ Đức Tin dũng cảm này nên các quan đã làm bản
án tử hình cho các ngài như sau: “Sau khi họp Hội Đồng, các thần là Nguyễn Phúc
Hoan, quan hộ và Lương Mộc Quang, quan án, đã xem xét kỹ lưỡng hai tội phạm Trần
An Lạc (cũng gọi là Dũng Lạc) và Trương Văn Thi đã theo tà đạo Gia Tô từ thuở
nhỏ và dụ dỗ lê dân. Họ đã ghi khắc sâu đạo lý sai lầm từ lâu chứ không phải một
vài ngày. Hoàng Thượng đã ra nhiều chiếu chỉ cấm dạy dỗ dân chúng đạo này và bắt
từ bỏ những thói tục sai trái. Thế nhưng họ chẳng những đã không tuân lệnh mà
còn tàng trữ sách đạo và ẩn trốn cho đến ngày bị bắt. Được khuyên bảo bước qua
Thập Giá mà họ vẫn một mực cố chấp, xin được chết hơn là làm điều này. Hiển
nhiên là đạo này đã ăn sâu vào tâm hồn chúng. Vậy các thần xét nghĩ là họ đáng
chết theo như luật quốc gia đã định rằng kẻ nào tàng trữ sách quấy phá, hoặc dạy
dỗ thực hành quái lạ thì phải giam trong ngục cho đến khi được định thể khác. Vậy
đối với hai tội phạm Trần An Dũng (Lạc) và Trương Văn Thi, các thần muốn áp dụng
khoản luật này. Nhưng xét cho cùng, hai tội phạm này đáng chịu một hình phạt nặng
nề hơn nữa. Chúng phải chém đầu để răn bảo những người khác, xem gương mà khiếp
sợ.”
Trong khi chờ đợi bản
án được châu phê, cha Thi biết chắc mình sẽ được phúc tử đạo. Cha Phêrô Trương
Văn Thi sốt sắng dọn mình xưng tội, đọc kinh cầu nguyện và ăn chay các ngày thứ
Tư, Sáu, Bảy. Ngày 21 tháng 12, cha Trân lén mang Mình Thánh Chúa vào cho cha
Dũng Lạc nhận rồi trao cho cha Thi cùng rước Mình Thánh Chúa. Đây là lần cuối
cùng hai cha được rước Mình Thánh Chúa trong nhà tù dưới trần gian. Cũng chính
trưa ngày hôm ấy, hai cha nhận được tin bản án đã được châu phê. Hai cha vội
đem phân phát cho các lính canh những đồ dùng còn lại. Ngay sau đó, quan quân
thi hành án lệnh dẫn các cha ra pháp trường. Cha Phêrô Trương Văn Thi vì già sức
yếu đã ngã trên đường. Lúc ấy có một tên lính đến nói nhỏ với cha, mình cũng là
một tín đồ, xin cõng cha trên lưng. Cha liền cởi đôi xăng đan, một đồ dùng cuối
cùng trao cho anh. Tới pháp trường là Ô Cầu Giấy, cha quì cầu nguyện trên chiếc
chiếu do các bà Dòng đã trải sẵn. Quan ra lệnh dân chúng phải đứng ở xa và khi
nghe hiệu lệnh thì lý hình phải chém ngay một nhát đứt đầu. Thi hành xong mọi
việc thì quan quân rút về. Giáo dân chạy tới thấm máu vị tử đạo, thâu lượm các
di vật rồi nhận xác cha thánh Phêrô Trương Văn Thi đem về cử hành lễ an táng
long trọng tại Kẻ Sở.
Sau đó dân chúng truyền
khẩu cho tới ngày nay, nói rằng: ông lý Pháp bắt hai cha đã hóa ra điên khùng,
còn cô con gái của ông lấy khăn thánh may yếm để mặc đã bị thổ tả chết ngay một
ngày sau khi mặc chiếc yếm ấy vào người.
Đức Giáo Hoàng Lêô
XIII đã suy tôn cha Phêrô Trương Văn Thi lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm
1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt
Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.
ChaThánh Phêrô Trương
Văn Thi
Một lòng vì Chúa ra đi
Tuổi già sức kiệt cha
Thi ngã hoài
Giáo dân là lính đến
nài:
Cha cho con cõng, cha
hài lòng không?
Đôi xăng đan, món cuối
cùng
Cởi ra cho lại đồ dùng
trần gian
Đây Ô Cầu Giấy là bàn
Hiến dâng thân xác
Chúa ban về trời
Lệnh quan Giám Sát
truyền lời
Cấm ai thấm máu lính
thời phải tuân
Chém đồng loạt chỉ một
lần
Thật điêu luyện, chém
một phần dính thân
Ý là muốn giúp giáo
dân
Dễ dàng ráp lại trọn phần khi chôn
Nhưng quan bắt cắt đứt
luôn
Đầu lìa hẳn cổ
kẻ buồn người vui
Quan và lính mới rút
lui
Đem về Kẻ Sở chọn nơi
táng Ngài
Ác nhân ác báo chẳng
sai
Trưởng làng tên Phát
vì ai điên cuồng
Còn cô con gái đã dùng
Khăn thờ may yếm, lăn
đùng chết ngay
Mặc vào mới được một
ngày
Tấm gương phạm thánh đời
này nhớ ghi.
(Trương Hoàng)
Lm.
Nguyễn Đức Việt Châu SSS
Nguồn:
tonggiaophanhanoi.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét