36
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se.
Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi
ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu
nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên,
cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên
Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ
là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Suy niệm:
Khi
viết sách Tin Mừng, thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ, vì trong xã hội
Ítraen thời xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông. Luca hay đặt sóng đôi những
câu chuyện về các nhân vật nam và nữ. Sau trình thuật sứ thần Gabrien truyền
tin cho ông Dacaria, thì đến trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ. Sau sự
xuất hiện của ông già Simêon nói tiên tri về Hài Nhi, thì bà Anna cũng được giới
thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ. Làm ngôn sứ đâu phải là đặc quyền dành cho
phái nam!
Khuôn
mặt của Simêon và Anna có những nét giống nhau. Cả hai đều là những người tuổi
cao và đạo hạnh. Đời sống của họ gắn bó với Đền thờ. Riêng cuộc đời của cụ bà
Anna thì thật đáng phục. Cụ xuất giá được bảy năm thì ở góa, nay cụ đã tám mươi
tư. Giả như cụ lấy chồng vào năm mười lăm tuổi, thì hẳn cụ đã sống trong cảnh
góa bụa hơn sáu mươi năm. Một thời gian dài không có chỗ dựa vững chắc của người
chồng. Nhưng cụ Anna lại tìm thấy một chỗ dựa khác, vững hơn. Đó là Thiên Chúa
mà cụ đêm ngày thờ phượng (c. 37). Đó là Đền thờ mà cụ coi như nhà của mình. Đời
sống của một góa phụ trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ. Ăn chay cầu
nguyện là cách để cụ làm chủ bản thân và thắng cám dỗ.
Simêon
và Anna đều là những người cao tuổi đã và đang chờ. Họ sống để chờ những lời
Chúa hứa được thành tựu, sống để chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem (c.
38). Anna có biết hôm nay nỗi đợi chờ của cụ được đáp ứng không? Với trực giác
của một ngôn sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ đang được bồng ẵm trên tay
của đôi vợ chồng nghèo. Như xuất thần, cụ nói về Hài Nhi cho những người chung
quanh. Không phải chờ nữa, vì ơn cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến. Thiên
Chúa đã giữ trọn lời hứa của Ngài.
Chúng
ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta có ít thời
gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét. Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ
từ lớn lên, trở nên người trưởng thành. Làm người là chấp nhận lớn lên mỗi ngày
một chút về mọi mặt. Thân xác của cậu Giêsu trở nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy
khôn ngoan, và về mặt tâm linh, ân lộc của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40). Hài
Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình để thành Thầy Giêsu đi rao giảng vào
lúc ngoài ba mươi. Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người, qua tha
nhân và kinh nghiệm, qua lao động và thách đố trong cuộc sống. Ngài chia sẻ phận
người long đong của chúng ta, nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người. Xin được
học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương. Xin được trở
nên người có khả năng dám sống và chết cho người khác.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin cho con luôn vui tươi. dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho con đừng
bao giờ khép lại với chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh con, những
người – cũng như con – đang cần một người bạn.
Nếu
như con nên yếu đuối, thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm
và nhân từ hơn.
Nếu
bàn tay con run rẩy, thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi. Khi lâm tử, xin
cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh.
Ước
chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng. Và
con về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét