12 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm
con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà
đi tìm con chiên lạc sao?13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em,
người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.14
Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những
kẻ bé mọn này phải hư mất.
Suy niệm:
Chăn chiên là một nghề đã có từ
lâu. Nhiều nhà lãnh đạo dân Do-thái như Môsê, Đa-vít, đều làm nghề này. Trên những
đồng cỏ mênh mông, giữa trời và đất, chỉ có chiên và mục tử, nên giữa đôi bên
có một sự thân thiết và hiểu biết nhau thật gần gũi. Chính vì thế trong Cựu Ước,
Thiên Chúa hay ví mình với người chăn chiên. Đàn chiên là dân Do-thái, là dân
riêng Ngài rất mực quý yêu: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa… Lũ
chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).
Như Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ví
mình với người mục tử tốt lành. “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết
tôi” (Ga 10, 14). Sự hiểu biết thân thương này mạnh đến độ Ngài dám hy sinh mạng
sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 15). Sau khi chết và phục sinh, Đức Giêsu muốn
Simon nhận sứ mạng mục tử. Ngài mời ông chăm sóc và chăn dắt chiên của Ngài (Ga
21, 15-17). Như thế đoàn chiên mới của Đức Giêsu lúc nào cũng được bảo vệ. Qua
bao thế kỷ Giáo Hội vẫn không ngừng có những mục tử mới, nối gót Simon Phêrô để
phục vụ và hiến mạng vì đoàn chiên.
Nhưng Đức Giêsu không dạy người mục
tử chỉ lo cho cả đoàn, mà quên chăm sóc cho từng con chiên một. Ngài mời ta để
ý đến tập thể lớn, nhưng không được quên từng cá nhân nhỏ. Có khi chỉ một con
chiên lạc lại khiến người mục tử bận tâm lo lắng đến nỗi để chín mươi chín con
trên núi mà đi tìm con bị mất (c. 12). Không phải vì coi thường chín mươi chín
con không bị lạc, nhưng vì người mục tử không muốn mất con nào. Con chiên lạc lại
có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim mục tử.
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về
chuyện tìm lại được điều đã mất. Khi mất thì đứng ngồi không yên, khi tìm thấy
thì bình an và niềm vui òa vỡ. Người mục tử lo âu, vất vả tìm kiếm con chiên lạc,
nhưng khi tìm được rồi thì niềm vui là vô bờ. Có thể nói còn vui hơn chuyện
chín mươi chín con không bị lạc (c. 13). Dường như người ta bắt đầu quý một điều
từ khi mất điều đó. Có khi một người bắt đầu hiện diện từ khi người ấy vắng mặt
và mất đi.
Cha không muốn cho một ai trong những
kẻ bé mọn này phải hư mất (c. 14). Cha muốn cho mọi người được cứu độ và không
muốn mất một ai (1 Tm 2, 4). Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người
bé mọn quanh ta, những người từ lâu đã bỏ nhà thờ, những người mất lòng tin vào
Chúa. Mỗi người chúng ta phải là mục tử cho nhau, chăm sóc nhau, quý nhau, khởi
đi từ những người trong gia đình, trong nhóm bạn thân quen. Chúng ta quý nhau
vì Thiên Chúa quý từng người chúng ta. Chúng ta chẳng thể mừng Lễ Giáng sinh nếu
còn một người đang lạc ở đâu đó. Nếu chịu mất công đi tìm về, chúng ta mới được
hưởng niềm vui trọn vẹn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Khi làm người, Chúa
đã nhận trái đất này làm quê hương. Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng
tuyệt vời. Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch, và bầu trời vắng
tiếng chim. thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến làm người
để tôn vinh phận người, vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói, bao trẻ sơ
sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời, bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm
bị chà đạp. Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến đem bình
an cho người Chúa thương, vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình. Chiến
tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi. Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng
thứ vũ khí tối tân hơn mãi. Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem, Chúa đã cứu
độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ, nhưng bất công, ích kỷ và dối
trá vẫn thống trị địa cầu. Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan. Chúa
đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc. Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình
cứu độ của Chúa bị chậm lại, và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa
thành tựu. Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem, xin cho chúng con nghe được lời thì
thầm gọi mời của Chúa để yêu trái đất lạnh giá này hơn, và xây dựng nó thành
mái ấm cho mọi người.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét