Thế Nào Là Cầu Nguyện?
Một chàng thanh niên nọ khao khát sống
đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự,
để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.
Trong những ngày đầu, anh quan sát
cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều
bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt
mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh
đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên,
con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng
này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều".
Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu
con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại
và tiếp tục cầu nguyện".
Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở
trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy
mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà
vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan
viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?".
Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi". "Thế sao
không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả
lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt
duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho
nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần,
nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho
nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".
Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu
được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu
nguyện bằng nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt
từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm
thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.
Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.
Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để
dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng
vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời
người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ
cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt
trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành
cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để
giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để
gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những
ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của
sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày.
Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu
nguyện.
Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến
tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những
phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những
phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng
sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.
Trích sách Lẽ Sống.
Ðức Giêsu đi khắp các thành thị,
làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và
chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Khi thấy đám đông, Người chạnh lòng thương,
vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người
nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin
chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Rồi Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại,
ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết
các bệnh hoạn tật nguyền. Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
“Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng; Nước
Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại,
cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho
không, thì cũng phải cho không như vậy.”
Suy niệm:
Thiên Chúa của Do Thái giáo là Thiên
Chúa gần gũi với con người. Thiên Chúa của Ítraen có thể trừng phạt dân vì sự bất
trung của họ, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa giàu lòng tha thứ. Khi đọc bài đọc
1 của ngôn sứ Isaia, chúng ta ngạc nhiên khi thấy một Thiên Chúa tỉ mỉ quan tâm
đến hạnh phúc của con người. Ngài nghe và đáp lại tiếng dân kêu than, khóc lóc
(c. 19). Ngài dạy dỗ và chỉ đường cho người lưỡng lự phân vân (c. 21). Nhưng
hơn nữa, Ngài còn để ý đến đời sống vật chất của dân chúng. Ngài làm cho mưa
thuận gió hòa, cho khe suối róc rách vì có dòng nước chảy. Nhờ đó hạt giống được
gieo trở thành lương thực, súc vật chăn nuôi được gặm cỏ thỏa thuê, bò cầy ruộng
sẽ được ăn cỏ khô trộn muối (cc. 23-24). Con người có đủ bánh ăn và nước uống
trong lúc ngặt nghèo.
Qua cuộc sống của mình, Đức Giêsu
cũng muốn cho ta thấy một Thiên Chúa nhân từ bằng xương bằng thịt, một Thiên
Chúa bị thu hút bởi con người, mê say phục vụ con người. Không rõ trong sứ vụ
công khai, trong gần ba năm rong ruổi, Đức Giêsu đã đi bộ bao nhiêu cây số của
xứ Paléttin, đôi chân dẻo dai của Ngài đã đến với bao nhiêu làng mạc, thành phố.
đôi tay của Ngài đã chạm đến bao nhiêu thương tích của nhân gian. Chỉ biết trái
tim của Ngài là trái tim bằng thịt, cứ nhói đau và chạnh thương trước bể khổ của
phận người. Bệnh tật thân xác là gánh nặng kéo con người xuống. Đức Giêsu đã trở
nên như vị lương y đối diện với đủ thứ bệnh tật. Mù lòa, câm điếc, bất toại,
phong hủi đều được Ngài chữa lành, thậm chí Ngài còn hoàn sinh kẻ chết. Ma quỷ
cũng là một mãnh lực làm con người mất tự do. Khử trừ ma quỷ và thần ô uế, là dấu
cho thấy Nước Trời đã đến.
Mọi sự Đức Giêsu đã làm thì Ngài
sai các môn đệ tiếp tục (cc. 6-8). Hôm nay chúng ta cũng được sai để tiếp tục
việc của Ngài ngày xưa: loan báo Tin Mừng Nước Trời, chữa lành thế giới khỏi mọi
bệnh tật, giải phóng con người khỏi những xích xiềng mới do chính họ tạo nên, và
loại trừ thần ô uế ra khỏi mọi nơi con người sinh sống. Công việc này thật bao
la, vì không giới hạn trong mảnh đất Paléttin nhỏ hẹp. Công việc này không dễ, vì
ta phải đối diện với sức đề kháng mạnh mẽ của ác thần. Nhưng với quyền năng
Chúa ban, chúng ta tin mình sẽ thắng (c. 1). Lễ Giáng Sinh là lễ mừng ơn cứu độ
cho con người. Chúng ta được mời nhìn thế giới hôm nay bằng cái nhìn của Giêsu,
yêu thế giới bơ vơ hôm nay bằng trái tim của Giêsu, đến với thế giới xa xôi hôm
nay bằng đôi chân của Giêsu. Ước gì tay chúng ta chạm đến người nghèo, người yếu
đau, sa ngã. Và ước gì chúng ta cho không những gì đã nhận được nhưng không.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như
hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin; vẫn
có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống; vẫn có những người bị
ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn có những
người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống; vẫn
có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và
biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn
thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét