57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà
Êlisabét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng
giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến
làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ
lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. 61 Họ bảo bà: “Trong họ
hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả”. 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem
ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên
cháu là Gioan”. Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra,
ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các
sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và
tự hỏi: “Ðứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ
em.
Suy niệm:
Vào trước lễ Sinh Nhật của Đức
Giêsu, Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về sự chào đời của Gioan Tẩy giả.
Có vẻ bà Êlisabét là người vui hơn
cả. Bà đã mang nỗi hổ nhục từ bao năm nơi người đời (Lc 1, 25), bây giờ bà mới
thấy rõ lòng thương xót bao la của Chúa (c. 58). Niềm vui của bà được tăng lên
nhờ láng giềng, thân thích đến thăm. Thiên Chúa bắt bà chờ quá lâu, đến mức bà
chẳng còn hy vọng. Rồi bất ngờ bà lại được tất cả những điều mình mong ước. Có
một đứa con trai lúc đã cao niên, điều đó kể như một phép lạ.
Khi bà khăng khăng đòi đặt tên cho
đứa con là Gioan (c. 60), nhiều người ngăn cản, vì không ai trong dòng tộc mang
tên này, vì cứ sự thường, con phải được đặt tên theo tên cha. Nhưng quyết định
cuối cùng nằm trong tay ông Dacaria. Ông mới là người có quyền đặt tên cho con
trai ông. Vì ông câm và điếc, nên ông cần một cái bảng nhỏ để ghi tên con. “Tên
cháu là Gioan” (c. 63). Tên này trùng với tên vợ ông đề nghị. Chính lúc Dacaria
vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan, thì lập tức miệng ông được mở ra
và lưỡi ông được tháo cởi (c. 64). Giờ đây ông có thể chúc tụng Thiên Chúa sau
hơn chín tháng bị câm. Những người thân thích, xóm giềng đi từ ngỡ ngàng đến
kinh sợ. Quả thực có nhiều điều lạ lùng vây quanh sự chào đời của cậu bé. Người
ta đồn thổi tin này khắp miền núi Giuđê.
“Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao?” (c.
66). Làm sao biết tương lai của đứa trẻ mới được tám ngày tuổi. Nhưng qua những
biến cố lạ lùng xảy ra: ông bà sinh con trong lúc tuổi già, ông bị câm rồi lại
được khỏi, ông bà cùng nhất trí về tên của đứa con dù không trao đổi trước, người
ta nhận ra bàn tay Chúa ở với em (c. 66). Em đúng là Gioan, tiếng Híp-ri nghĩa
là Thiên-Chúa-tặng-ban, bởi em là quà tặng cho gia đình, dân tộc và cho cả nhân
loại. Cậu bé Gioan đã từ từ lớn lên và theo một lối sống khác thường. Cậu không
lập gia đình và sống khắc khổ nơi hoang địa (c. 80).
Lễ Giáng Sinh là lễ của trẻ thơ, của
niềm hy vọng. Mỗi trẻ thơ chào đời đều là một dấu hiệu của tình thương Chúa. Ngay
một cuộc sinh nở bình thường cũng là một điều lạ lùng. Mỗi trẻ thơ được cha mẹ
đặt tên, nhưng tên của em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa. Em
nào cũng là một quà tặng cho thế giới, em nào cũng là một Gioan. Mỗi em đều có
chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp
em tìm thấy ơn gọi riêng của mình, và trưởng thành nhờ sống trọn vẹn ơn gọi đó.
Xin được chung vui với gia đình Dacaria và mọi gia đình trên địa cầu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, con được no nê mà vẫn thiếu
ăn, vì bên con còn có người đói lả. Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran, vì
bên con còn có người đang khát.
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi, vì
bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng
đêm, vì bên con còn có người mù tối.
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi, vì
bên con còn có người trần trụi.
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)
Lm. Antôn
Nguyễn Cao Siêu, S.J.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét