Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Thứ Bảy Tuần 10 Thường niên


Bài học của những giá trị chân thật.
Một lần dạy học sinh về lòng trung thực trong học tập cũng như trong cuộc sống, tôi đã sưu tầm những thước phim mang ý nghĩa đó cho các em xem.
Nổi bật trong số ấy có clip Bài học tuổi thơ của chương trình “Quà tặng cuộc sống”.
Ảnh chụp lại từ clip Bài học tuổi thơ do chương trình “Quà tặng cuộc sống” của Đài truyền hình Việt Nam phát
Câu chuyện trong clip như sau: cô giáo ra đề kiểm tra “Hãy tả buổi làm việc ban đêm của ba em”, cậu con trai được điểm 8 về khoe với ba, kể lại cho ba nghe chuyện ở lớp vì sao cậu đạt điểm cao nhất trong khi bạn Sơn (tên nhân vật chính trong phim) học giỏi văn nhất lớp lại bị điểm 0.
Người cha hỏi con tả ra sao thì con trả lời: “Vì ba không làm việc ban đêm nên con tưởng tượng ba như là bác hàng xóm nhà mình vẫn hay làm ca đêm đó ba”.
Người cha ngạc nhiên khi nghe con kể vậy, rồi hỏi bạn Sơn tả gì thì người con cho biết là Sơn để giấy trắng. Người con cho hay Sơn bỏ giấy trắng vì bạn ấy không có ba nên không biết tả gì. “Sơn mồ côi từ khi lọt lòng mẹ. Ba bạn ấy hi sinh khi làm nhiệm vụ. Từ ấy mẹ ở vậy nuôi Sơn khôn lớn”.
Nghe xong câu chuyện, người cha xúc động nói: “Cậu bạn của con thật đáng khen”. Còn người con cho rằng không nên làm như thế: “Nếu là con, con sẽ tả ba của đứa khác, không bao giờ chịu bị 0 điểm”.
Người cha liền giải thích cho con vì sao Sơn làm như vậy: “Con nhầm rồi, bạn Sơn của con bị 0 điểm, đó là một nỗi đau. Nhưng đối với con, đó là một bài học, bài học về sự trung thực. Sáng tạo trong trường hợp này đồng nghĩa là bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, bạn Sơn của con đã đúng. Cậu ấy đã để lại trang giấy trắng trung thực trong bài viết”.
Sau khi học sinh xem xong clip, tôi đặt câu hỏi: “Nếu chưa xem clip này, gặp trường hợp như Sơn, các em có làm bài văn như vậy không?”. Cả lớp không đồng ý làm như Sơn, mà sẽ tả dối như người bạn được điểm 8. Tôi gọi vài học sinh hỏi vì sao làm như vậy, các em đều cho rằng sợ bị điểm thấp, chấp nhận viết dối để lấy điểm cao.
Sau đó tôi lại hỏi tiếp: “Bây giờ các em đã xem clip này rồi, các em đã có bài học quý về sự trung thực, vậy có em nào dám chấp nhận điểm 0, để giấy trắng?”. Tôi cho các em suy nghĩ và trả lời chân thật. Dẫu học trò khá hiểu về tôi, quan điểm sống của tôi và được suy ngẫm từ clip, nhưng chỉ có vài ba em chấp nhận để giấy trắng.
Điều đó cho thấy rằng ngay từ khi bước vào tiểu học, người lớn đã dạy cho các em viết dối, bịa đặt để được điểm cao. Vì áp lực điểm số mà các em không dám chấp nhận bỏ giấy trắng để giữ sự chân thật, chịu nhận điểm 0. Kể từ đó tôi thường sưu tầm những thước phim có ý nghĩa giáo dục thiết thực từ đời sống để gieo cho các em lối sống đẹp, sự trung thực...
Đến bao giờ “văn học thật sự là nhân học” như nó vốn có? Biết bao giờ người lớn không vì áp lực điểm số, thành tích để dạy cho con em mình những điều giản dị, chân thật của văn chương, giúp các em chân thật từ lời nói đến hành vi trong cuộc sống? Quả thật rất khó làm điều đó nếu chúng ta cứ khư khư với bệnh thành tích, khư khư với những bài viết hay mà sáo rỗng, bịa đặt.
Biết bao giờ người lớn không vì áp lực điểm số, thành tích để dạy cho con em mình những điều giản dị, chân thật của văn chương, giúp các em chân thật từ lời nói đến hành vi trong cuộc sống?
Mong sao ngay từ thời tiểu học (cũng như các bậc học khác) khi cánh cổng trường mở ra, thế giới kỳ diệu của các em sẽ là thế giới của những giá trị chân thật. Giá trị ấy bắt đầu từ người lớn.
Nguồn: Tuổi trẻ Online

Thiên Chúa là Đấng chân thật. Con cái Chúa cũng phải chân thật. Môi miệng chân thật là môi miệng con cái Chúa. Môi miệng dối gian là môi miệng Xa-tan.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 5, 33-37)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: "Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".


Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su
Học với Chúa

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét