Lễ Ngũ tuần
– Lễ Hiện xuống
Trước khi
là ngày lễ Ki-tô giáo, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống là một lễ Do Thái. Lễ này
đã từng có từ nhiều thế kỷ, đó là một ngày lễ hội nhà nông, mừng mùa gặt hái,
nhưng dần dần các kỷ niệm về Giao Ước được ghép vào đó và ý nghĩa tôn giáo trội
vượt hơn những ý nghĩa khác.
Cũng nên nhắc
lại Lễ Vượt qua đã có trước ông Mô-sê. Các nghi thức diễn tả việc các nông dân
và cả người làm nghề chăn nuôi mừng mùa xuân đến. Và có lẽ có mối liên quan giữa
hai lễ, một lễ là đầu mùa xuân, lễ kia là vào cuối mùa gặt hái. Hai lễ cách
nhau một mùa gặt, có thể từ 6 đến 8 tuần. Thế mà sách Xuất Hành kể lại rằng cuộc
giải thoát khỏi Ai Cập xảy ra vào ngày Lễ Vượt Qua. Từ nay khi cử hành các nghi
lễ của tổ tiên vào mùa xuân, tưởng niệm Lễ Vượt Qua, cũng là dịp suy niệm Thiên
Chúa giải thoát dân Ngài.
Vì lẽ đó dần
dần lễ Vượt Qua trở thành lễ Thiên Chúa giải thoát khỏi Ai-cập. Cũng như thế,
sách Xuất Hành nói cho chúng ta Thiên Chúa đã ban các Bia Lề Luật cho ông Mô-sê
vài tuần sau ngày được giải thoát khỏi Ai-cập và vì vậy lễ được mùa cũng được
thêm một ý nghĩa mới phong phú: trở thành Lễ được ban Lề Luật. Sau này người ta
ấn định ngày cho hai lễ ấy, hai lễ cách nhau chính xác 7 tuần (lễ Ngũ tuần theo
tiếng Do Thái là « shavouôth », có
nghĩa là « những tuần », theo tiếng
Hy-lạp là « pentecôte » nghĩa là « năm mươi »: 7 tuần lễ, tức là 49 ngày, lễ
mừng ngày thứ năm mươi.)
Lễ Hiện xuống:
là lễ mừng năm mươi ngày tiếp theo sau lễ Phục Sinh, bế mạc năm mươi ngày trong
mùa Phục Sinh bằng việc cử hành mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các
Tông Đồ và Giáo Hội. Đây là một trong những lễ đầu tiên được cử hành thời Giáo
Hội sơ khai, sau lễ Phục Sinh. Đến năm 1955, lễ này có thêm lễ vọng được tổ chức
theo khuôn mẫu Lễ Vọng Phục Sinh.
Nguồn: Bà Marie-Noëlle Thabut
& Sách Giáo lý Bao đồng 1
& Sách Giáo lý Bao đồng 1
"Như Cha sai Thầy, Thầy cũng
sai các con: các con hãy nhân lấy Thánh Thần"
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
Thánh Gio-an
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất
trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người
Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!
"
20 Nói xong, Người cho các ông xem
tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông:
"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh
em."
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các
ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người
ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Suy niệm:
Thời khởi nguyên vũ trụ, khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí
ban cho con người sự sống. Hôm nay, Ðức Giêsu Phục Sinh cũng thổi Thần Khí vào
các môn đệ. Các ông được lãnh nhận Thánh Thần. Lãnh nhận sự sống của Ðức Giêsu.
Trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ sẽ tiếp tục sứ mạng của Ðức Giêsu: Thông ban
sự sống và ơn tha tội. Trong Chúa Thánh Thần, Hội Thánh của Ðức Giêsu được hình
thành từ hạt nhân là các môn đệ.
Mỗi tín hữu chúng ta được
Chúa Thánh Thần qui tụ, thôi thúc và ban ơn để làm chứng cho Ðức Giêsu ngay
trong cuộc sống của mình. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phá vỡ mọi ngăn
cách, kỳ thị để mọi người thực sự liên đới, cảm thông và hiệp nhất với nhau. Ðể
mọi người được sống trong hạnh phục.
ĐGM Giu-se Nguyễn Năng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến đổi mới đời sống chúng con, giúp chúng con không còn sợ hãi, rụt rè mà can đảm sống đời chứng nhân cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.
Veni Creator Spiritus
0 nhận xét:
Đăng nhận xét