Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Lễ Đức Mẹ Dâng mình - Thứ Ba 21/11


Người của Thiên Chúa.
Dù chỉ mới 3 tuổi, Cô Bé Maria đã được Ông Bà Gioakim và Anna đưa lên Đền Thờ để kính dâng Thiên Chúa. Từ đó, Cô Bé Maria là người-của-Thiên-Chúa, thuộc về Thiên Chúa theo sự quan phòng và tiền định của Ngài. Lễ Đức Mẹ Dâng Mình nhắc các bậc cha mẹ về việc dâng con cái cho Thiên Chúa, và nhắc mỗi chúng ta về việc tận hiến cho Thiên Chúa và Đức Mẹ – vì mỗi chúng ta cũng là “người của Thiên Chúa” theo kế hoạch của Ngài.
Theo lịch sử, lễ Đức Mẹ Dâng Mình có xuất xứ từ Giáo hội Đông phương là dịp kỷ niệm Thánh hiến Thánh đường Đức Maria ngày 21 tháng 11 năm 543 tại Giêrusalem. Giáo hội Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc tiến vào Đền Thờ của Mẹ Thiên Chúa. Họ mừng lễ này từ ngày 20 đến 25 tháng 11, dựa vào Ngụy thư tiền Tin Mừng theo Thánh Giacôbê, được soạn vào giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện về Đức Trinh Nữ Maria lúc còn thơ ấu đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến lúc 12 tuổi: “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc: Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ... Thiên Chúa ban ân sủng của Người cho con trẻ, nó đã nhảy mừng, mọi người trong nhà Ít-ra-en yêu mến con trẻ...”.
Từ thế kỷ IX, lễ này được cử hành tại các đan viện ở Ý, sau đó lan tràn tới Anh. Năm 1373, ĐGH Grêgôriô XI (sống tại TP Avignon, Pháp) cho cử hành lễ này. Đây cũng là công lao của hiệp sĩ Philippe de Mézièrès, sau thời gian sống bên Đông phương, ông đã về phổ biến lễ Đức Mẹ Dâng Mình tại Tây phương, hy vọng nối kết lại với anh em Hy Lạp. Sau đó, ĐGH Sixtô IV ghi lễ này vào lịch phụng vụ từ năm 1472.
Đức Mẹ được mọi người mọi thời ca tụng là người diễm phúc vì được cưu mang và cho Chúa Giêsu bú mớm. Tuy nhiên, điều diễm phúc hơn ở Đức Mẹ là “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Vâng, diễm phúc của Đức Mẹ là “lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” và vững đức tin, như chị Ê-li-da-bét đã xác nhận với Cô Em Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương đức tin của Đức Mẹ và giúp chúng con trung thành với những gì khấn nguyện với Ngài, dù chung hay riêng.
Lạy Thánh Mẫu Maria, xin dìu bước chúng con trên mọi nẻo đường trần gian, nhất là những quãng đường đời đầy bóng tối. Xin giúp chúng con trở nên “khí cụ bình an và yêu thương” của Thiên Chúa để chúng con thuộc trọn về Thiên Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Trầm Thiên Thu

Nguồn: memeria.org


Dẫn vào Tin Mừng.
Ai muốn làm môn đệ Chúa phải thực thi Thánh ý Chúa Cha và vượt trên tình nghĩa gia đình. Đối với Mẹ Chúa Kitô, thánh ý Chúa Cha là tuyệt đối, và là thực tại sâu xa của suốt cuộc sống của Mẹ.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mát-thêu. (Mt 12, 46-50)
Khi ấy, Ðức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Cầu nguyện.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là gương mẫu tuyệt vời của việc lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Trọn cuộc đời Mẹ là một chuỗi lắng nghe tiếng Chúa: từ tiếng khóc chào đời của Ngôi Lời Nhập Thể, tiếng bi bô tập nói của Hài Nhi Giê-su, đến những tâm sự của một thiếu niên 12 tuổi tại nhà của Cha Người, những đối đáp truyện trò trong ngôi nhà Thánh Gia Na-gia-rét xưa, những lời rao giảng của Đấng Cứu Thế con Mẹ trong suốt ba năm trời dong duổi khắp miền đất Palestine, và những lời trăn trối cuối cùng của Người Con dấu yêu trên cây Thập Tự. Tất cả Mẹ hiểu, Lời của Con Mẹ là Lời của Thiên Chúa, Lời của Ngôi Lời Nhập Thể làm Người, Mẹ đã đại diện cả nhân loại để lắng nghe và đã thi hành trọn vẹn Lời Chúa như mẫu gương cho toàn nhân loại chúng con nei theo. Xin cho con luôn biết ngắm nhìn Mẹ, là một thụ tạo đẹp lòng Chúa vô cùng để chúng con cũng biết nỗ lực noi gương, bắt chước Mẹ bao nhiêu có thể trong cuộc đời này. 

Lạy Mẹ La Vang, cầu cho chúng con. Amen.


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét