Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Thứ Năm tuần VII Phục Sinh - Năm A


Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”, cụ đưa cho các con một bó đủa đã cột lại làm một và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Cụ liền bảo hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa bị bẻ gẫy dể dàng. Câu chuyện “Anh em nhà họ Điền” cũng dạy chúng ta bài học “HIỆP NHẤT”: “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT”.
Người Pháp chiếm đoạt Việt Nam và chia ra Ba Miền để dể cai trị. Hoa Kỳ khi muốn làm suy yếu sức mạnh của Miền Nam, để dể lũng đoạn và thực hiện ý đồ chính trị riêng tư, họ đã chia rẽ chẳng những Ba Miền, mà chia rẽ giửa các tôn giáo vốn rất bao dung và sống hòa đồng với nhau tại Việt Nam; từ đó  tạo nên những người “cuồng tín” luôn hô hào hận thù ,chia rẽ, thay vì từ bi, bác ái, hỷ xả, vị tha… gây nên cảnh “huynh đệ tương tàn,” ngay cả ở các Cộng Đồng Người Việt chúng ta ở hải ngoại, làm tiêu tán sức mạnh chung.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có kể câu chuyện anh em ruột thịt chia rẽ nhau: Vì ghen tức Cain giết em ruột của mình là Abel… (Sách Khải nguyên 4, 1-16). Sau đó là câu chuyện “Tháp Babel” (KN. 11, 1-9…) . Từ đó con người chia rẽ nhau “Không còn nói cùng một thứ tiếng” nữa… và cũng từ đó chiến tranh luôn xãy ra trên thế giới chúng ta, nhân loại không còn là một gia đình yên vui, êm ấm, thuận hòa.
Trong bữa ăn cuối cùng với các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện cho sự “HIỆP NHẤT”: “XIN CHO TẤT CẢ NÊN MỘT NHƯ CHA Ở TRONG CON VÀ CON Ở TRONG CHA” (Gioan. 17, 21-23). Trước đó Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh “Cây Nho” để mời gọi mọi người hãy liên kết chặt chẻ với Chúa và với nhau: “Thầy là Cây Nho chúng con là ngành nho, ngành nào “Hiệp Nhất”cùng cây sẽ sinh hoa kết quả, ngành nào lìa cây sẽ khô héo đi…” ( Gn 15,5). Giáo hội Chúa được sánh ví như một “Thân Thể Mầu Nhiệm”. (Thơ Rôma 12,4…) Chúa Giêsu là Đầu và chúng ta là các Chi Thể. Tất cả đều sống tùy thuộc vào nhau, chia sẽ cùng một giòng máu yêu thương, cùng một tinh thần là sức sống trong Chúa Thánh Thần. Trong Lễ Thánh Thể, chúng ta cũng được chia sẽ cùng một  “Tấm Bánh” (hiệp nhất do muôn ngàn lúa miến), cùng một  “Chén Rượu” (hiệp nhất do trăm ngàn trái nho). Trước đó chúng ta đã tuyên xưng cùng một “Đức Tin”, cùng một “Phép Rửa”, và cùng cầu nguyện chung kinh “Lạy Cha chúng con… ” rồi cùng chia sẻ dấu hiệu của sự  “Hiệp Nhất” yêu thương  bằng những cử chỉ chân thành ‘chúc bình an’ cho nhau.
Giáo hội luôn luôn mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho sự “Hiệp Nhất” trong gia đình Giáo hội, trong gia đình nhân loại ; đặc biệt trong  ‘Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất’ vào giữa tháng giêng mỗi năm.
Lm An-phong Trần Đức Phương

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 17, 20-26)
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".

Cầu nguyện: 

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu. Cha đã tạo dựng nên vũ trụ vạn vật trong quyền năng và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, Cha đã muốn một thế giới luôn hòa hợp yêu thương nhau. Nhưng từ khi tội xâm nhập vào thế gian, con người đã phá hỏng tất cả, chúng con tự gây chia rẽ, xa cách nhau và xa cách Cha. 

Xin cho chúng con biết đón nhận và sống tình yêu mà Con Cha đã dành cho chúng con bằng chính mạng sống của mình trên thập giá để chúng con biết yêu thương nhau, biết hòa hợp và nối kết nhau từ trong gia đình đến môi trường sống và làm việc hằng ngày của chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô, Thầy Chí Thánh của chúng con. Amen



Bài ca Hiệp nhất

Share:
Continue Reading →

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Thứ Tư tuần VII Phục Sinh - Năm A - Lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Ê-li-sa-bét


Người ta trở lại một cách không ngờ!
Truyền giáo chẳng qua là nói lên cho mọi người biết họ được Thiên Chúa yêu thương, và biết chứng minh điều nầy trong cuộc sống. Nếu người ngoài công giáo thấy người công giáo thực thi luật yêu thương bác ái thật của Phúc Âm đối với họ, thì thế nào họ cũng có thiện cảm đối với Giáo-Hội, và một ngày kia, thế nào cũng có người xin trở lại. Câu chuyện cảm động sau đây chứng minh điều nầy. Câu chuyện nầy do linh mục Cluny, cha sở giáo xứ Taejou ở Nam-Hàn, kể.
Giáo dân Lôrăng, 26 tuổi, đến nói cho ngài biết anh ta vừa rửa tội được một người ăn mày chết ngoài chợ.
Khi được tin nầy, các bạn thanh niên công giáo trong giáo xứ liền hy sinh góp tiền lại để mua đồ liệm, đóng hòm.
Anh Lôrăng xin cha sở cho phép đem quan tài vào nhà thờ, cầu nguyện một đêm, sáng mai làm lễ an táng và đưa đám. Cha sở rất bằng lòng trước sáng kiến đầy bác ái yêu thương của con chiên mình.
Nghe được tin nầy, nhiều giáo dân đến canh thức tối cầu nguyện.
Sáng mai, nhiều giáo dân trong giáo xứ đi dự lễ an táng và đi đưa đám.
Vài ngày sau, - cha sở nói - khi tôi đến một làng cách xa giáo xứ tôi ba mươi cây số, có hai ông lão đến gặp tôi và nói lên câu làm tôi bỡ ngỡ: "Sự bác ái và kính trọng của người công giáo đối với người chết làm chúng tôi hài lòng. Chúng tôi biết được điều Giáo Hội Công giáo đã làm cách đây mấy ngày đối với người chết nơi chợ. Vì thế, chúng tôi muốn xin trở lại Đạo Công giáo."
Và cha Cluny kết luận: "Thật là tuyệt diệu ! Các thanh niên trong giáo xứ của tôi đã làm cho Giáo Hội được thiện cảm và được hấp dẫn nơi con mắt của những người ngoài Công giáo và ngay cả nơi con mắt của những người Công giáo ".
Nguồn: giaophanvinhlong.net

Việc Đức Maria thăm viếng gia đình ông Gia-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét vừa có tính cách bác ái vừa là truyền giáo. Truyền giáo là cùng với Chúa Giêsu đến chia sẻ niềm vui nỗi buồn của kẻ khác và phục vụ họ.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1, 39-56)
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.
"Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời". Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
Một chút suy tư:
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Ê-li-sa-bét. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa.
Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi già là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Ê-li-sa-bét. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.
Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.
Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Ê-li-sa-bét trong ngày cuối tháng hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này.
Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với mẹ. Một vài Kinh Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.
Nguồn: Lẽ sống
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, hằng ngày trong công việc con gặp gỡ tiếp xúc với bao nhiêu người. Có những cuộc gặp gỡ ngập tràn tiếng cười, nhưng cũng có những cuộc tiếp xúc để lại nhiều nghi kỵ, mầm mống của chia rẻ, thù hận. Xin cho con luôn có Chúa trong mọi lời nói, cư xử với anh em, để mỗi ngày qua đi, lúc đêm về ngồi gẫm lại con thấy Chúa hiện diện nơi những người mà con gặp gỡ trong ngày. Amen.


Share:
Continue Reading →

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Thứ Ba tuần VII Phục Sinh - Năm A



Những buổi tối cầu nguyện chung trong gia đình.
Cha Aimé Duval - Linh Mục dòng Tên - chào đời ngày 30-6-1918 tại Val d'Ajol, Vosges (Đông Bắc Pháp) và qua đời ngày 30-4-1984. Xin trích dịch chứng từ của Cha về những buổi tối cầu nguyện chung trong gia đình.
Tôi là con thứ năm trong gia đình có 9 người con. Trước tôi là Lucie, Marie, Hélène, Marcel và sau tôi là René, Raymond, Suzanne và André.
Trong gia đình tôi không có kiểu sống đạo đức mang tính cách thái quá hoặc phô trương. Nhưng hàng ngày có buổi đọc kinh chung vào mỗi tối. Và buổi đọc kinh tối chung này mãi mãi khắc sâu trong tâm trí tôi cho đến ngày tôi nhắm mắt lìa đời.
Chị gái tôi - chị Hélène - là người giữ nhiệm vụ đọc các kinh, hơi dài, khoảng 15 phút, đối với bọn con nít chúng tôi. Vì thế đôi khi chị đọc thật nhanh hoặc đọc tóm tắt cho đến khi Ba tôi cất tiếng la rầy và ra lệnh: ”Đọc lại từ đầu!”
Thế là, ngay từ những giây phút thơ ấu ấy, tôi hiểu rằng, phải thưa chuyện với THIÊN CHÚA Nhân Lành với ngôn từ chậm rãi, đứng đắn và thật trang trọng dễ thương.
Thân phụ tôi - điều làm tôi cảm động nhất mãi cho đến ngày hôm nay - là cung cách của người. Ba tôi - người luôn luôn mỏi mệt vì công việc đồng áng nặng nhọc hoặc vì phải chuyên chở gỗ và không hổ thẹn tỏ ra mình quá mệt - vậy mà, sau bữa ăn tối, người kính cẩn quì gối, chống khuỷu tay trên chiếc ghế, đôi bàn tay ôm lấy trán, người cùng đọc kinh tối chung với gia đình. Suốt trong buổi đọc kinh, người luôn luôn giữ thế quì bất động, không nhúc-nhích không ho-hen, không hề đưa mắt liếc nhìn đàn con đang có mặt chung quanh, cũng không bao giờ tỏ ra nóng-nảy khó-chịu vì buổi đọc kinh tối kéo dài. Và tôi - thằng con nít - tôi thầm nghĩ: ”Xem kìa, Ba mình thật lực lưỡng, người điều khiển gia đình, người có hai con bò lớn, người không hề nao núng trước vận mệnh cuộc đời xem ra đen-đủi, cũng chẳng khiếp sợ khi đứng trước mặt ông trưởng làng hoặc những kẻ giàu có, vậy mà giờ đây trong buổi đọc kinh tối, Ba lại tỏ ra thật nhỏ-bé trước mặt THIÊN CHÚA Nhân Lành! Như vậy có nghĩa là Ba đã có một thái độ thật khác xa khi thưa chuyện với THIÊN CHÚA Nhân Lành. Như vậy cũng có nghĩa THIÊN CHÚA Nhân Lành phải là Đấng Cao Cả lắm-lắm khiến cho Ba phải quì gối, nhưng cùng lúc lại là Đấng vô cùng thân-thiện, cho phép Ba có thể thưa chuyện với THIÊN CHÚA Nhân Lành mà không cần thay bộ đồ làm việc lem-luốt nơi đồng áng!” Về phần Mẹ tôi, tôi không bao giờ trông thấy Mẹ quì gối. Lý do giản dị là vì Mẹ quá mệt! Mẹ ngồi ở giữa phòng, tay ẵm đứa em nhỏ nhất với chiếc áo đen phủ kín tới gót, mái tóc màu hung-hung thật đẹp phủ kín tới cổ và tất cả mọi đứa con lớn nhỏ đều ngồi chung quanh Mẹ, kề sát bên Mẹ hoặc tựa người vào Mẹ. Mẹ theo sát lời kinh chị Hélène đọc và đôi môi Mẹ mấp máy đọc theo, không sót một lời một câu nào. Mẹ đọc như chính đó là lời kinh của riêng Mẹ.
Chỉ có một điều lạ lùng khác xa với thái độ của Ba, đó là Mẹ tôi không rời mắt nhìn chúng tôi. Mẹ nhìn từng đứa một. Cái nhìn Mẹ dừng lại thật lâu nơi các em bé nhất. Mẹ chỉ nhìn chứ không bao giờ nói gì cả hoặc lên tiếng la rầy chúng tôi. Ngay cả khi mấy đứa nhỏ cựa-quậy xì-xầm, ngay cả lúc sầm chớp ầm-vang xuyên qua mái nhà hoặc khi con mèo làm đổ nắp đậy cái nồi!
Và tôi - thằng con nít - tôi thầm nghĩ: ”THIÊN CHÚA quả thật tốt lành mới cho phép người ta thưa chuyện với Ngài khi bồng con trong tay và mình khoác tấm áo làm việc (tablier de travail)! Quả thật THIÊN CHÚA Nhân Lành là Đấng vô cùng quan-trọng khiến cho sấm-sét hoặc con-mèo trở thành chuyện không đáng quan tâm!”
Đôi tay của Ba, đôi môi mấp máy của Mẹ là những cử điệu dạy tôi bài học tôn giáo đầu đời quan trọng gấp bội lần những bài học giáo lý. THIÊN CHÚA Nhân Lành là Đấng Tối Cao. THIÊN CHÚA Nhân Lành là Đấng thật thân thiện gần gũi. Và người ta chỉ có thể thưa chuyện thân tình với THIÊN CHÚA Nhân Lành sau khi chu toàn bổn phận một ngày sống trọn vẹn, một ngày lao động vất vả... ”Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isaia 55, 9-11).
Sưu tầm
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 17, 1-11a)
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.
"Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.
"Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha".
Cầu nguyện.

Lạy Chúa Giê-su, nhờ Bí tích Rửa tội con được làm con Chúa, được thuộc về Chúa, nhưng chúng con vẫn còn đang sống giữa thế gian này. Xin cho chúng con biết đón nhận những nghịch cảnh trong cuộc đời với lòng tín thác trọn vẹn nơi tình yêu Chúa. Xin biến đổi cuộc sống con trở thành bài ca ngợi khen Chúa. Amen.




Share:
Continue Reading →

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Thứ Hai tuần VII Phục Sinh - Năm A

Lòng can đảm
“Con người không phải bẩm sinh đã có lòng can đảm, nhưng ắt có tiềm năng từ khi cất tiếng chào đời. Nếu không có lòng can đảm, chúng ta không thể rèn luyện đức tính một cách nhất quán, chúng ta cũng không thể có sự tử tế, chân thành, khoan dung, quảng đại và trung thực.”
Maya Angelou
Bạn nghĩ gì về lòng can đảm? Một đứa trẻ khi được hỏi câu này sẽ hình dung ra ngay con sư tử, biểu tượng của sức mạnh, sự dũng cảm và gan dạ, bởi vì hầu hết trẻ em được dạy rằng sư tử là chúa tể của muôn loài. Ngay cả trong Phù thủy xứ Oz, một truyện thiếu nhi nổi tiếng của L. Frank Baum xuất bản năm 1900 và được MGM chuyển thể thành phim năm 1939, nhân vật sư tử đã mất đi phẩm chất đặc trưng mà một con sư tử phải có: đó chính là sự can đảm. Đến cuối bộ phim, con sư tử mới khám phá ra rằng lúc nào lòng can đảm cũng tồn tại bên trong nó – chỉ là nó không biết thể hiện phẩm chất đó thôi.
Sự sợ hãi đã làm tê liệt khà năng nhận thức của sư tử đến nỗi nó sống như một kẻ hèn nhát, chứ không phải là một con thú dũng mãnh mà động vật nào cũng phải khiếp sợ. Chúng ta luôn nghĩ rằng đã là sư tử thì phải dũng cảm dù gặp bất kỳ trở ngại nào. Vua sư tử, bộ phim hoạt hình có doanh thu khổng lồ đứng thứ ba tại Mỹ, đã phác họa thành công hình ảnh sư tử Mufasa, vua của vùng đất đầy tự hào và cậu con trai Simba.
Mufasa là một sư tử gan dạ có vai trò bảo vệ gia đình và lãnh địa. Tuy nhiên, lòng dũng cảm và sự gan dạ của nó không dễ dàng gì truyền lại cho Simba bởi cậu con còn quá nhỏ và vẫn đang học hỏi ý nghĩa thực sự của lòng can đảm. Nhưng Scar, chú của Simba, ngay lập tức tìm mọi cách đảo ngược tất cả những gì Mufasa đã dạy bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vào đầu chú sư tử con. Có lẽ bạn chưa nhận ra rằng chính bạn cũng là một con sư tử, ít ra là theo lối nói hình tượng. Bạn hoàn toàn có lòng can đảm, nhưng liệu bạn có biết thể hiện nó hay không?
Bạn giống Mufasa hay giống Simba ở đoạn đầu bộ phim? Người bình thường không dám chấp nhận rủi ro và họ biết rõ điều đó. Họ chọn cảm giác thoải mái và an toàn, thay vì chọn cơ hội. Người bình thường tiếp tục làm công việc mà mình không thích vì họ sợ phải thay đổi. Người bình thường sợ phải đề cập đến một số vấn đề trong mối quan hệ của mình. Họ đi nhà thờ, nhưng nếu có thắc mắc gì thì cũng không dám hỏi vì sợ bị người khác đánh giá thấp và tẩy chay.
Trong công việc, người bình thường không dám lơ là và thường cố gắng làm mọi việc. Họ giống như nhân vật sư tử trong bộ phim Phù thủy xứ Oz, luôn run rẩy sợ sệt và mải miết đi tìm sự can đảm mà nó tưởng rằng đã mất. Thật ra bạn luôn có lòng can đảm! Cũng như sư tử Oz và Simba, bạn luôn có lòng can đảm. Hãy khoan vui mừng, vì nhiều thử thách sẽ xuất hiện và bạn phải đương đầu với chúng để thể hiện lòng can đảm của mình.
Giống như chú sư tử kia, bạn sẽ phải đối mặt trực tiếp với những sự thật khó chấp nhận của chính mình. Trước tiên, bạn là một chiến binh và bạn phải giành chiến thắng trong những trận chiến quan trọng của cuộc sống. Bạn sẽ phản ứng ra sao? Bạn sẽ bỏ chạy hay đối mặt với hiểm nguy khi biết rõ mình có khả năng thiên bẩm để vượt qua bất cứ trở ngại nào?
Chiến binh nhân từ luôn thể hiện lòng can đảm trong mỗi khoảng khắc của cuộc đời.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 16, 29-33)
Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Ðúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra". Chúa Giêsu đáp lại các ông: "Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con mỗi ngày biết can đảm bước theo Chúa, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thử thách; xin cho con luôn biết tín thác nơi Chúa, vì chỉ có Chúa mới là đường, là sự thật và là sự sống mãi mãi cho con.


Share:
Continue Reading →

Sứ mệnh Truyền giáo


Sách Tông đồ Công vụ chúng ta nghe hôm nay trình bày về biến cố Thăng Thiên của Chúa Giê-su. Thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu E-phê-sô trình bày về lời cầu nguyện của Thánh Phao-lô qua đó giúp chúng ta khám phá ra sự viên mãn về mạc khải của Thiên Chúa cùng với sự hiểu biết sâu sắc về mầu nhiệm ấy. Tin Mừng cho thấy Chúa Giê-su trao sứ mệnh truyền giáo cho các tông đồ của Ngài.

"Hỡi những người ở Ga-li-lê, tại sao ngươi đứng ở đây nhìn lên trời?" Lời khuyên này trong biến cố Thăng Thiên của Chúa Giê-su có vẻ khá giống với Lời trong biến cố Phục Sinh: "Tại sao ngươi tìm kiếm kẻ sống nơi người chết?" Chúng ta chẳng hề thấy một dấu hiệu nào để tìm kiếm Đức Ki-tô trong ngôi mộ hoặc trên bầu trời; vì Ngài ở ngay tại xứ Ga-li-lê, ở giữa kẻ sống, giữa kẻ tội lỗi, giữa những người sống bên lề xã hội. Chúng ta hãy tìm gặp Ngài trong họ, rửa chân họ, và tiếp tục sứ mệnh truyền giáo của mình.

Cầu xin cho mỗi người chúng ta can đảm sống chứng nhân cho Chúa Ki-tô giữa cuộc sống thường ngày của mình.


Share:
Continue Reading →

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên - Năm A


I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Đoạn sách Công vụ Tông đồ cho thấy một sự chuyển tiếp sứ mạng từ Chúa Giêsu sang cho các tông đồ qua trung gian của Chúa Thánh Thần.
Sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian là “làm việc” và “giảng dạy” đã kết thúc khi Người chuẩn bị về trời. Để tiếp nối sứ mạng của mình, Người đã tuyển chọn, dạy bảo các tông đồ và căn dặn các ông hãy ở lại Giêrusalem mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa là chính Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn các tông đồ, thì cũng nhờ Thánh Thần mà Người sai các ông ra đi làm chứng cho Người, khởi đi từ Giêrusalem và cho đến tận cùng trái đất.
Chúa Giêsu về trời đánh dấu sự chuyển tiếp sứ mạng từ Chúa Giêsu sang cho các tông đồ nhờ ơn Thánh Thần. Thật vậy, một khi lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần, các tông đồ không thể đứng “đăm đăm nhìn trời” mà nuối tiếc quá khứ, cũng không thể chỉ lo “khôi phục vương quốc Israel”, mà phải hướng về tương lai của sứ mạng làm “chứng nhân của Thầy”, sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh, một sứ mạng khởi đi từ Israel mà vươn xa đến mọi nơi trên thế giới.
Như vậy, Chúa Giêsu về trời mở ra thời kỳ của Thánh Thần, của Hội Thánh mà các tông đồ là hạt nhân, một Hội Thánh có sứ mạng loan báo và làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên thế giới.
2. Bài đọc 2:
Tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu ơn hiểu biết mầu nhiệm về Thiên Chúa, về vị thế của Đức Giêsu và về chương trình cứu độ được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô.
Trước hết, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và đặt Người ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời (x. Tv 110,1). Vì được Thiên Chúa siêu tôn qua cuộc phục sinh, địa vị của Đức Giêsu trên trời vượt trên mọi tước vị và mọi quyền lực thần thiêng. Ảnh hưởng của Người không chỉ trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai. Như thế, Đức Kitô Phục Sinh được Thiên Chúa tôn vinh cách trọn vẹn và viên mãn trong vị thế ngang hàng với Thiên Chúa trên trời.
Sau nữa, vị thế siêu tôn của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng cho các Kitô hữu về “gia nghiệp vinh quang phong phú” mà họ được Thiên Chúa hứa ban nhờ Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu Phục Sinh là đầu của toàn thể Hội Thánh cũng sẽ cho các chi thể là các Kitô hữu được chia sẻ sự sống viên mãn của Người. Đức Kitô, nhờ quyền năng Thiên Chúa mà chiến thắng sự chết và bước vào trong vinh quang phục sinh thế nào, thì các Kitô hữu, nhờ tin vào Thiên Chúa và công trình cứu độ trong Đức Kitô, cũng sẽ được thông phần vinh quang phục sinh thể ấy.
Tóm lại, tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa mạc khải cho các tín hữu hiểu rằng vinh quang và vị thế siêu tôn của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng và là cùng đích cho cuộc sống của các Kitô hữu đang trên đường lữ hành trần thế.
3. Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ và trao cho các ông sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” nhân danh Chúa Ba Ngôi.
Chúa Giêsu Phục Sinh xuất hiện trên núi với vẻ uy nghi thần linh đến nỗi các môn đệ phải bái lạy Người. Người đã khai mạc Nước Trời trên núi (Mt 5,1), đã tỏ vinh quang Mêsia trên núi (Mt 17,1-8), nay Người cũng từ trên núi mà sai các tông đồ tiếp tục công việc Người đã khởi sự. Ngày xưa cũng từ trên núi, Chúa Giêsu đã từ chối quyền mà Xatan hứa trao cho Người trên “tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy” (x. Mt 4,8-10), nay từ trên núi trong diện mạo của Đấng Phục Sinh, Người lại được trao “toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Quyền bính của Chúa Giêsu Phục Sinh bao trùm cả trời đất (x. Cv 13,33; Rm 1,4; Pl 2,5-11), nên người có tư cách trao lại cho các môn đệ sứ mạng thánh hóa muôn dân nhân danh Thiên Chúa.
Thật vậy, Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi tiếp nối sứ mạng của Người. Khởi đi từ Galilê, các môn đệ được sai đến với “muôn dân”, nghĩa là không chỉ dừng lại ở người Do Thái (x. Mt 10,5; 15,24) mà vươn xa đến mọi người trên thế giới (x. Mt 8,11; 21,41; 22,8-10; 24,14.30). Sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” bao gồm việc rao giảng, giúp họ sống theo tinh thần Tin Mừng và cử hành bí tích thánh hóa nhân danh Chúa Ba Ngôi, đặt họ trong mối tương quan với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Đây là một sứ mạng đầy khó khăn và thách đố đối với các thế hệ môn đệ, nên Chúa Giêsu Phục Sinh hứa sẽ hiện diện cùng các ông luôn mãi để giúp các ông chu toàn sứ mệnh được giao phó cho đến ngày tận thế. Là đấng Emmanuel, Chúa Giêsu Phục Sinh không để các môn đệ cô độc trên hành trình sứ vụ, vì Người là Thiên-Chúa-ở-cùng.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Chúa Giêsu về trời mở ra thời kỳ của Thánh Thần, của Hội Thánh, một Hội Thánh có sứ mạng loan báo và làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Như thế, bản chất của Hội Thánh là loan báo và làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người. Là một phần tử trong Hội Thánh, tôi cũng mang lấy sứ mạng đó. Tôi đã làm gì để loan báo Tin Mừng Phục Sinh? Tôi có thể làm gì để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh?
2/ Tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa ban thần khí khôn ngoan để các tín hữu hiểu rằng vị thế siêu tôn và vinh quang của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng và là cùng đích cho cuộc sống của các Kitô hữu đang trên đường lữ hành trần thế. Đức Kitô vinh thăng trên trời có là niềm hy vọng đích thật cho cuộc sống của tôi? Tôi sống niềm hy vọng đó thế nào?
3/ Tác giả Mátthêu kết thúc Tin Mừng bằng cuộc hẹn gặp của Chúa Giêsu với các môn đệ tại Galilê, nơi Người đã khởi đầu sứ vụ. Trong dáng vẻ uy nghi, Đức Kitô Phục Sinh trao cho các môn đệ sứ mạng ra đi và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Là môn đệ Chúa Giêsu, tôi có sẵn sàng ra đi giới thiệu Chúa cho “muôn dân” để họ cũng tin và được cứu độ? Tôi có cử hành bí tích nhân danh Chúa Ba Ngôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa đã đem Đức Giêsu Kitô về trời, đặt ngự bên hữu Người để luôn chuyển cầu cho Hội Thánh và cho từng người chúng ta. Vậy cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng dâng lời cầu nguyện:
1. Chúa Phục Sinh đã sai các môn đệ đi giảng dạy và làm phép rửa cho muôn dân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng bằng một đời sống chứng tá, nên men muối giữa thế giới hôm nay.
2. Thiên Chúa đã khiến mọi sự quy phục dưới chân Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cùng cầu xin cho những người còn xa lạ với Tin mừng được nghe biết và tin nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ trần gian, và là con đường dẫn đưa nhân loại đến nguồn mạch sự thật và sự sống.
3. “Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông biết tận dụng những phương tiện hiện đại với lương tâm ngay lành, để quảng bá tình thương và loan truyền chân lý.
4. Chúa nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn xác tín vào sự hiện diện của Chúa, và siêng năng đến kín múc năng lực thiêng liêng từ các bí tích, đặc biệt là phụng vụ Thánh Thể.
Chủ tếLạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Chúa về trời đã mở đường hướng chúng con về quê hương đích thật. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và luôn nâng đỡ chúng con trong nỗ lực dựng xây thế giới hôm nay, để chuẩn bị cho Nước Chúa trị đến. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Nguồn: tgpsaigon.net
Share:
Continue Reading →