Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

100 năm Đức Mẹ Fatima - Thứ Sáu Tuần 27 Thường niên A


Mặt Trời Múa
Hôm nay 13 tháng 10, là kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra lần thứ sáu cho ba em Lucia, Phanxicô và Giacinta tại làng Fatima bên Bồ Ðào Nha.
Ðây là lần hiện ra có đông đảo dân chúng chứng kiến nhất. Mặc dù thời tiết xấu, ngay từ ngày 12, có trên mười ngàn người Bồ Ðào Nha từ khắp nơi trong nước đổ xô về Fatima để chờ đợi phép lạ như Ðức Mẹ đã hứa trong các lần hiện ra trước. Người lo lắng nhất trong suốt mấy ngày hôm đó chính là bà mẹ của Lucia. Bà khuyên cô con gái hãy đi xưng tội để nhỡ nếu không có phép lạ xảy ra, thì khi bị giết chết, họ cũng an tâm vì đã xưng tội. Cô Lucia trả lời: con sẽ đi xưng tội, nhưng không phải vì sợ phép lạ không xảy ra... Ðức Mẹ sẽ giữ lời hứa.
Buổi sáng sớm ngày 13/10, người ta đã thấy đám đông đứng phủ đầy ngọn đồi Cova da Iria, nơi Ðức Mẹ hứa sẽ hiện đến. Dưới cơn mưa lất phất của những ngày đầu mùa thu, ai cũng cảm thấy lạnh cóng, nhưng đều hiệp ý với nhau trong lời kinh Mân Côi kính Mẹ. Mọi người đều chăm chú hướng nhìn về ba em bé mục đồng, trong y phục rách rưới và bê bết những bùn.
Lucia bắt đầu đọc kinh Mân Côi, bỗng cô hô lớn: "Xin mọi người hãy xếp dù lại". Với hai em Phanxicô và Giacinta, cô ra lệnh: "Hai em hãy quỳ xuống, vì Ðức Mẹ đang hiện đến".
Cùng với ba em, nhiều người đã nhìn thấy vệt sáng trên nền trời. Trong một cái nhìn vừa cảm thông và u buồn, Ðức Mẹ nói với ba em bé: "Ta là Ðức Mẹ Mân Côi... Ta muốn người ta xây một nhà nguyện tại đây để kính nhớ Ta. Các con hãy tiếp tục lần hạt mỗi ngày". Và Ðức Mẹ đã hứa sẽ nhận lời cầu xin của một số người mà Lucia đại diện trình lên Mẹ. Nhưng Mẹ cảnh cáo: "Ðừng xúc phạm đến Chúa nữa, người ta đã xúc phạm quá đỗi rồi". Nói xong những điều đó, Ðức Mẹ chỉ tay về hướng mặt trời... Trong cơn ngây ngất, Lucia đã thốt lên: "Xin mọi người hãy nhìn về mặt trời".
Lạ lùng thay, ai cũng có thể nhìn về mặt trời mà không bị lóa mắt. Như một bánh xe cuồn cuộn lửa đỏ, ánh thái dương bỗng quay lượn, nhảy múa và toát ra những tia sáng muôn màu sắc. Rồi thình lình, từ trời cao, mặt trời bỗng đổ xuống như một trái bóng da khổng lồ. Trong cơn hốt hoảng, mọi người cảm thấy như mặt trời sắp rơi xuống, ai ai cũng nằm rạp xuống trên bãi cỏ và đấm ngực ăn năn như để chờ đợi giây phút cuối cùng của vũ trụ... Hiện tượng mặt trời nhảy múa và sa xuống mặt đất kéo dài trong vòng hai phút. Khi mặt trời đã trở lại trạng thái bình thường, mọi người đều nhận thấy rằng, bãi cỏ ướt đẫm trong cơn mưa bỗng trở nên khô ráo.
Việc Ðức Mẹ hiện ra và hiện tượng mặt trời nhảy múa đi kèm như được mô tả trên đây, mang nhiều ý nghĩa.
Chính phủ cách mạng tại Bồ Ðào Nha vào năm 1917 muốn đánh đổ những thứ mà họ gọi là huyền thoại tôn giáo, cũng như dẹp bỏ mọi thứ cuồng tín. Buổi sáng ngày 13/10 hôm đó, cả một lực lượng vũ trang hùng hậu đã được gửi đến đồi Cova da Iria để ngăn cản mọi cuộc tập họp của dân chúng. Báo chí thì tung ra lời tuyên đoán rằng phép lạ sẽ không bao giờ xảy ra và huyền thoại tôn giáo sẽ cáo chung từ hôm đó.
Thế nhưng tất cả những sức ép trên đây đã không đánh đổ được lòng tin của người tín hữu.
Phép lạ mặt trời múa vừa là một thể hiện của quyền năng của Thiên Chúa vừa là một lời mời gọi sám hối. Ðệ nhất chiến tranh đã phát sinh nhiều làn sóng vô thần chủ trương tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực. Bên cạnh những chế độ độc tài chối bỏ quyền sống của con người, nhiều người cũng buông thả trong đời sống luân lý.
Thế giới chỉ có thể cứu vãn được nếu con người biết hoán cải: đó là sứ điệp mà Ðức Maria đã không ngừng lặp đi lặp lại tai Fatima. Và phương tiện để giúp con người hoán cải trước tiên đó là cầu nguyện. Cầu nguyện không những là quay trở lại với Chúa, nhưng còn là một cải đổi tương quan đối với người anh em.
Lịch sử đang lập lại không ngừng. Quyền sống của con người đang bị chối bỏ nhiều nơi trên thế giới. Con người cũng chối bỏ và chà đạp chính Thiên Chúa trong những sa đọa về luân lý. Ðức Maria đang tha thiết kêu mời chúng ta hãy sám hối, siêng năng cầu nguyện với kinh Mân Côi... Ðó là phương thế duy nhất để cứu vãn thế giới của chúng ta.
Trích sách Lẽ Sống.

Dẫn vào Tin Mừng.
Chúa Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa xua trừ ma quỷ và thực hiện triều đại Thiên Chúa. Ai thuộc về Thiên Chúa phải xa lánh tội lỗi và ma quỷ.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 11, 15-26)
Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.
Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.

"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".

Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Fatima. xin dạy con biết sửa đổi đời sống, biết siêng năng lần hạt và tôn sùng Mẫu Tâm.. Xin Mẹ gìn giữ thế giới này, mọi người luôn được sống trong hòa bình và yêu thương nhau. Amen.


Share:
Continue Reading →

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Hãy xin thì sẽ được - Thứ Năm Tuần 27 Thường niên A


LỜI CẦU NGUYỆN VỠ LÒNG
Mỗi đứa trẻ đều mang đến một thông điệp rằng Chúa vẫn luôn yêu thương con người. Và câu chuyện bắt đầu thế này...
Có một cậu bé chăn cừu nọ đang chăn bầy cừu của mình vào một buổi sáng Chúa nhật, vừa lúc cậu bé nghe tiếng chuông nhà thờ đổ. Khi nhìn mọi người đi ngang qua đồng cỏ để đến nhà thờ, cậu chợt nghĩ, "Mình muốn nói chuyện với Chúa! Nhưng, mình nên nói gì với Ngài đây?"
Cậu bé nhỏ chưa một lần được học phải cầu nguyện thế nào. Vì thế, cậu quỳ gối trên đồng cỏ, bên cạnh bầy cừu, và cậu bắt đầu đọc từng chữ theo thứ tự a-b-c. Khi cậu bé đọc đi đọc lại nhiều lần, có một người đàn ông đi ngang qua và nghe thấy giọng đọc của cậu. Ông ghé nhìn qua bụi cây và thấy một cậu bé đang quỳ gối, vòng tay, nhắm mắt và đọc đi đọc lại dãy chữ a-b-c.
Người đàn ông thấy lạ, liền cất tiếng cắt ngang, "Này, cháu làm cái gì thế, cậu nhóc con?"
Cậu bé trả lời, "Cháu đang cầu nguyện."
Người đàn ông có vẻ ngạc nhiên, "Thế sao cháu cứ đọc bảng chữ cái thế?"
Cậu bé bèn giải thích, "Cháu chẳng biết cầu nguyện thế nào cả. Nhưng cháu muốn Chúa chăm sóc cháu, và giúp cháu chăm sóc đàn cừu của cháu nữa. Và cháu nghĩ là nếu cháu nói ra tất cả những gì cháu biết, Ngài có thể sắp xếp các câu chữ với nhau, và Ngài sẽ biết tất cả những gì cháu cần và nên nói!"
Người đàn ông mỉm cười và nói, "Chúa chúc phước cho tấm lòng của cháu!", rồi ông tiến bước về phía ngôi nhà thờ. Ông biết mình đã nghe được bài giảng sống động và ý nghĩa nhất ngày hôm nay.
Suy gẫm
Có thể khi chúng ta suy nghĩ như những đứa trẻ và để Chúa có quyền sắp xếp ý tưởng và lời cầu nguyện của mình: về những điều chúng ta nên ao ước, về điều gì chúng ta nên cầu xin, thì mọi việc trở nên tốt đẹp và thành công hơn là khi chúng ta tự nghĩ và lên kế hoạch và cầu xin Chúa theo ý của bản thân mình.
Sưu tầm từ internet.

Dẫn vào bài Tin Mừng.
Thiên Chúa là Cha hằng thương yêu chúng ta là con cái của Ngài. Ngài biết ta cần gì và luôn cho ta những điều tốt nhất. Ta hãy tin tưởng và kiên tâm nguyện cầu.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 11, 5-13)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: "Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy". Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: "Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được". Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con phải biết tín thác trọn vẹn nơi Chúa vì không chỉ là "cứ xin thì sẽ được, cứ tìm sẽ gặp và cứ gõ sẽ mở cho" mà còn vì không có Chúa thì con chẳng làm được gì. Amen.




Share:
Continue Reading →

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Lạy Cha chúng con ở trên trời - Thứ Tư Tuần 27 Thường niên A


CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG TÍN THÁC CẬY TRÔNG.
Vào cuối thập niên 80, tại Rumani, một trận động đất lớn đã xảy ra làm hơn 10 ngàn người chết. Ngay sau trận động đất, một người cha đã chạy đến nhà trường tìm đứa con trai của mình.
Ngôi trường nhiều tầng đã sập đổ, nhưng người cha định hường lớp học của con và cố đào bới trong đống gạch vụn để tìm kiếm con. Những người cứu hộ và cảnh sát bảo ông hãy về nhà và đừng đào bới nữa vì rất nguy hiểm. Nhưng ông không nghe và cứ tiếp tục đào bới.
Ông đào trong suốt 12 tiếng đồng hồ cũng chẳng thấy tăm hơi con đâu. Ông vừa đào vừa nghĩ: "Mình đã hứa thì phải thực hiện, biết đâu nó còn sống trong đống gạch này thì sao?"
Nghĩ thế rồi, ông lại tiếp tục đào, 24 tiếng rồi 48 tiếng đồng hồ trôi qua... ông chợt nghe có tiếng động. Ông gọi tên người con và ông nghe thấy có tiếng kêu rất nhỏ từ xa vọng lại : "Ba ơi ! ". Nước mắt tuôn trào và ông hăng hái đào tiếp cho đến tận lớp học của đứa con.
Thằng bé còn sống cùng với 20 đứa khác đang ngồi trong một góc phòng lớp học chưa bị sập. Nó ôm chầm lấy cha và nói : "Con đã bảo với các bạn của con rằng : "Ba tôi đã hứa, dù thế nào ba cũng sẽ đến đón tôi. Các bạn cứ yên tâm đi, chắc chắn ba tôi sẽ đến".
Tiếng kêu gọi ba của đứa con giống như lời kinh Lạy Cha: "Lạy Cha chúng con ở trên trời".
LM Đan Vinh – HHTMconggiao.info

Dẫn vào bài Tin Mừng
Kinh Lạy Cha là mẫu mực của mọi lời kinh và cũng là mẫu mực hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 11, 1-4)
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói:
"Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ".

Cầu nguyện:
Lạy Cha của chúng con, xin cho con có công việc làm hằng ngày, xin giúp con biết thân thiện và cảm thông với anh em, xin giúp con biết tránh xa những nghi kỵ, hờn ghen, ích kỷ, kiêu ngạo, hèn nhát, dâm ô từ những tiếp xúc hằng ngày trong đời thường đến những tiếp cận hằng ngày trên mạng internet. Lạy Cha, xin cứu giúp con vì con là con Cha. Amen.




Share:
Continue Reading →

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Lời Ngài là sức sống của con - Thứ Ba Tuần 27 Thường niên A


Trần Như Nhộng
Trần Bình vốn là một mưu thần đời nhà Hán, thời Hán Sở tranh hùng. Một hôm, khi trốn Sở về đầu Hán, Trần Bình phải đi qua một con sông lớn. Người lái đò đưa khách qua lại vốn là một tay cướp giật, giết người khét tiếng. Hắn nghĩ Trần Bình là một người giàu có, định ra tay hãm hại để thâu đoạt tiền của. Biết ý định của tên lái đò, trước khi xuống đò, Trần Bình đã cởi bỏ hết quần áo. Mình trần như nhộng, Trần Bình lại đến xin tên lái đò cho chèo phụ giúp hắn. Nghĩ rằng một người trần truồng như thế không phải là một người giàu có, tên lái đò đã để yên cho Trần Bình. Thế là ông thoát nạn.
Ðôi khi phải chấp nhận một vài nhục nhã, cắt bỏ đi một phần của cải hay cả một phần thân thể, chúng ta mới có thể thoát khỏi hiểm nguy đe dọa đến tính mạng. Trong bất cứ một cuộc di tản nào, để bảo đảm cho mạng sống, đôi khi người ta phải bỏ lại đằng sau nhà cửa, ruộng vườn, tài sản và ngay cả bà con thân thuộc của mình. Chúng ta có một sự sống giá trị gấp bội phần sự sống trên trần gian này. Sự sống ấy đòi hỏi chúng ta phải hy sinh tất cả mọi sự trong cuộc sống tạm bợ này. Lời sau đây của Chúa Giêsu đã đánh động không biết bao nhiêu người trong lịch sử nhân loại: "Lời lãi cả thế gian để được ích gì nếu mất linh hồn mình?"
Trích sách Lẽ Sống.

Dẫn vào Tin Mừng.
Lắng nghe Lời Chúa là điều cần thiết và tốt nhất. Dù sống trong hoàn cảnh nào hay làm việc gì, lắng nghe Lời Chúa vẫn là điều phải làm trước tiên.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 38-42)
Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin cho Lời Chúa con đọc và lắng nghe mỗi ngày trở nên tư tưởng và ý chí điều khiển hành vi trong cuộc sống thường ngày của con. Amen.




Share:
Continue Reading →

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Trở nên người anh em - Thứ Hai Tuần 27 Thường niên A


Cầu Nguyện Là Hơi Thở Của Linh Hồn
Thời Cách Mạng Pháp 1789, những người xây dựng chế độ mới muốn đánh đổ tất cả những gì mà họ gọi là tàng tích của mê tín dị đoan. Họ hỏi những người nông dân có muốn từ bỏ tôn giáo của họ không. Một người dân quê mùa chất phác đã trả lời như sau: "Bao giờ các ông làm cho sao trời rơi xuống thì chúng tôi sẽ thôi cầu nguyện".
Tự đáy tâm hồn mình, con người luôn luôn khát khao và đi tìm Thiên Chúa. Cầu nguyện, dưới hình thức này hay hình thức khác, là hơi thở của tâm hồn. Người ta có thể trói buộc tay chân con người, người ta có thể khóa chặt miệng lưỡi con người, nhưng không ai có thể ngăn cản con người cầu nguyện.
Cầu nguyện là nhựa sống của tâm hồn. Con người có thể chết dần trong thân xác vì bệnh tật, đau đớn hay bị hành hung, nhưng chính sự cầu nguyện nối kết tâm hồn con người với Thiên Chúa và đem lại cho con người sức sống vượt lên trên mọi thử thách và chết chóc.
Trích sách Lẽ Sống.

Dẫn vào Tin Mừng
Mến Chúa yêu người: đó là con đường đưa loài người đến sự sống đời đời. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu chính là mẫu gương sống luật yêu thương.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 25-37)
Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông".
"Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giê-su, thay vì như người thông luật kia đặt câu hỏi ai là anh em của tôi thì xin cho con biết tự hỏi chính mình: tôi phải làm gì để trở nên người anh em với mọi người. Amen.



Share:
Continue Reading →

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Đức Mẹ Mân Côi - Thứ Bảy Tuần 26 Thường niên A


Ðức Mẹ Mân Côi
"Lần hạt Mân côi từ bao năm tháng đã là tỏ lòng kính mến Ðức Mẹ. Thực hành này đã có một chiều sâu mới trong thời chúng ta. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, một thuyền đoàn Kitô Giáo gồm 206 chiếc thuyền với 80 ngàn người do thánh Giáo Hoàng Piô thứ V tổ chức, và do Don John của Áo Quốc lãnh đạo đã quyết thắng thuyền đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo với 320 chiến thuyền và 120 ngàn binh sĩ và người chèo tù nhân Kitô giáo của Thổ Nhĩ Kỳ trong vịnh biển Hy Lạp. Một lần nữa, đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo không chế ngự được đoàn quân Kitô giáo Âu châu. Trong trận hải chiến này, nhóm Mân Côi Rôma đã lần chuỗi Mân Côi để cầu thắng cho Hải đội Kitô Giáo trong nhà thờ Ðức Bà. Khi tin đoàn thắng được loan ra, ai ai cũng nhìn nhận đó là sự bầu cử của Ðức Mẹ. Ðức Giáo Hoàng Piô thứ V thuộc dòng Ðaminh rất sùng kính Kinh Mân côi đã lập ra lễ Ðức Bà Toàn Thắng để đánh dấu sự chiến thắng nói trên. Về sau lễ này được đổi ra là lễ Ðức Mẹ Mân Côi mà Giáo hội vẫn giữ vào ngày 7/10 mỗi năm. Khi người ta lần hat ở các đám tang đêm trước ngày chôn cất, người chủ sự thường nhân cơ hội dể đọc hết 150 kinh Mân côi, các Sự Vui, Sự Thương, và Sự Mừng, với kinh mở đầu cho lễ Ðức Mẹ Mân Côi. Ðó là tóm tắt đầy đủ nhất của cuộc đời Mẹ Maria và Chúa Giêsu Con Mẹ. Mặc dù Ðức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho thánh Dômincô không được coi có tính cách lịch sử, nhưng sự phát triển của kinh nguyện này là nợ lớn đối với những đệ tử của thánh Ðôminicô.
Lạy Chúa xin đổ tràn tim chúng con với tình thương của Chúa. Chúa đã sai thiên thần báo cho chúng con, Con Chúa giáng trần làm người. Xin hãy đưa chúng con đến sự vinh quanh phục sinh nhờ cuộc khổn nạn và cái chết của con Chúa. Amen.
Trích từ NguoiTinHuu.com

Dẫn vào bài Tin Mừng.
Qua Mẹ Maria, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Mẹ là Đấng Đầy Ơn và là Đấng Trung Gian đem Chúa đến cho con người. Hãy đến với Mẹ và phó thác đời mình trong sự bảo trợ của Mẹ.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1, 26-38)
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ dạy chúng con chuỗi kinh Mân côi để sinh ơn ích cho chúng con. Xin cho con biết yêu mến Kinh Mân côi và biết lần chuỗi mỗi ngày. Amen.




Share:
Continue Reading →

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Đón nhận Tin Mừng - Thứ Sáu Tuần 26 Thường niên A


Chờ Ðợi
Theo tâm lý thông thường, ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường biến cuộc đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên...
Cả tuần lễ, ai cũng mong được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến, chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm này đến, chúng ta lại chờ năm sau...
Lên xe, chúng ta mong đến đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng, nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm như thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ, dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.
Với sự nóng lòng chờ đợi giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi hết cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.
Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.
Ơn cứu rỗi không là một biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với hai tiếng "Thưa, xin vâng!", Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.
Cùng với Mẹ sống lại mầu nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này đây với tất cả tin tưởng phó thác.
Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận hưởng như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.
Trích sách Lẽ Sống.

Dẫn vào bài Tin Mừng.
Ai đón nhận Tin Mừng là đón nhận chính Thiên Chúa. Ai không tin, không đón nhận sẽ bị kết án và mất phần thưởng đời đời.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 13-16)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục.
"Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

Cầu nguyện:
Lạy Chúa xin thêm sức nâng đỡ con. Xin đừng để con ngã quỵ, nhưng xin thêm lòng tin cậy mến trong con.


Share:
Continue Reading →

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Sứ mạng truyền giáo - Thứ Năm Tuần 26 Thường niên A.


Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật
Hằng năm tổ chức có tên là "Tự nguyện chịu đau khổ" hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.
Như lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: "Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".
Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".
Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: "Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp".
Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại".
Ðã có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa thực hiện.
Nhìn lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.
Trích sách Lẽ Sống.

Dẫn vào Tin Mừng.
Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng không chỉ dành riêng cho mười hai tông đồ, nhưng là sứ mạng của tất cả mọi người. Là người Kitô hữu, ta được Chúa sai đi nối tiếp công việc truyền giáo của các tông đồ.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 1-12)
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi". Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần". Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết thực thi sứ mạng truyền giáo bằng chính cuộc sống của con nơi gia đình, nơi cộng đoàn.




Share:
Continue Reading →

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Thánh Francis Assisi - Thứ Tư Tuần 26 Thường niên A


Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226)
Thánh Phanxicô Assisi là một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội bởi ngài sống sát với phúc âm--không trong ý nghĩa cực đoan, nhưng thực sự sống theo những gì Ðức Giêsu Kitô đã nói và hành động, một cách vui vẻ, không giới hạn và không một chút tự tôn.
Cơn trọng bệnh đã giúp chàng thanh niên Phanxicô nhận ra sự trống rỗng của một đời sống vui nhộn khi còn là người lãnh đạo nhóm trẻ ở Assisi. Sự cầu nguyện--thật lâu giờ và thật kham khổ--đã giúp ngài trút bỏ mọi sự để theo gương Ðức Kitô, đến độ ngài đã ôm lấy một người cùi mà ngài gặp trên đường. Ðiều đó nói lên sự tuân phục những gì ngài được thụ khải trong khi cầu nguyện: "Phanxicô! Mọi sự con yêu quý và khao khát qua thân xác thì đó chính là điều con phải khinh miệt và ghét bỏ, nếu con muốn biết ý định của Thầy. Và khi con bắt đầu thi hành điều này, tất cả những gì đối với con dường như ngọt ngào và đáng yêu sẽ trở nên quá quắt và cay đắng, nhưng tất cả những gì mà con thường hay tránh né sẽ trở nên thật ngọt ngào và cực kỳ vui sướng."
Từ thánh giá trong một nguyện đường bỏ hoang ở San Damiano, Ðức Kitô nói với ngài, "Phanxicô, hãy đi xây dựng nhà của Thầy, vì nó đã gần sụp đổ." Phanxicô trở nên một người hoàn toàn khó nghèo và là người lao động thấp hèn.
Chắc chắn ngài đã nghi ngờ ý nghĩa sâu xa của câu "xây dựng nhà của Thầy." Nhưng ngài không bằng lòng chấp nhận việc đi xin từng cục gạch về xây lại nguyện đường hoang phế ấy. Ngài từ bỏ tất cả những gì ngài có, ngay cả đống quần áo ngài cũng trao lại cho cha của mình (là người đòi Phanxicô bồi thường những gì ngài đã cho người nghèo), để ngài hoàn toàn thuộc về "Cha trên trời." Thời gian ấy, ngài bị coi là một người đạo đức "gàn dở", ngài đi ăn xin từng nhà khiến các bạn cũ phải buồn rầu và ghê tởm, và bị những người thiếu suy nghĩ nhạo cười.
Nhưng sự thực dần tỏ lộ. Người ta bắt đầu nhận ra rằng con người này đang cố gắng trở nên một Kitô Hữu đích thực. Ngài thực sự tin vào điều Ðức Kitô dạy: "Hãy đi công bố nước trời! Ðừng mang theo vàng bạc, tiền của trong túi, đừng mang theo bao bị, giầy dép, gậy gộc" (x. Luca 9:1-3).
Quy luật đầu tiên của Phanxicô cho những người muốn theo ngài là thu lượm tất cả những văn bản của Phúc Âm. Ngài không có ý thành lập một dòng tu, nhưng một khi tu hội thành hình, ngài đã bảo vệ và chấp nhận mọi hình thức tổ chức hợp lý cần thiết. Sự tận tụy và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội của ngài quả thật là tấm gương sáng trong một thời đại mà nhiều phong trào cải cách dường như muốn phá vỡ sự hợp nhất của Giáo Hội.
Ngài bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tầu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.
Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương thực sự của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.
Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, "Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần." Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi trở nên nghèo hèn chỉ vì ngài muốn giống Ðức Kitô. Ngài yêu quý thiên nhiên vì đó là một công trình mỹ miều của Thiên Chúa. Ngài hãm mình phạt xác để có thể hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa. Sự khó nghèo của ngài đi đôi với sự khiêm tốn, mà nhờ đó ngài hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ để dẫn vào tâm điểm của đời sống tâm linh của ngài: sống đời sống phúc âm, đã được tóm lược nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu và được tỏ lộ cách tuyệt hảo nơi bí tích Thánh Thể.
Lời Trích
"Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con chúc tụng và ngợi khen Chúa, ở đây và trong toàn thể mọi nhà thờ trên toàn thế giới, vì qua thánh giá của Ngài, Chúa đã cứu chuộc nhân loại" (Thánh Phanxicô).
Trích từ NguoiTinHuu.com

Dẫn vào Tin Mừng.
Khôn ngoan của Thiên Chúa khác với khôn ngoan của loài người. Chỉ ai có tâm hồn khiêm cung nhỏ bé, biết phó thác cậy trông, mới khám phá ra những nẻo đường khôn ngoan dẫn đến phúc thật.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 11, 25-30)
Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.
"Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.




Share:
Continue Reading →