Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Tiến dâng cho Chúa – 31/12, Chúa nhật, Lễ Thánh Gia năm B.


Ước gì mọi gia đình Kitô hữu đều là một Thánh Gia, để mỗi người con đều trở nên một Giêsu.”

Lời Chúa: (Lc 2, 22-40)
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. 27 Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hai Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
33 Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. 34 Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng 35 còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuen, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Ðền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. 40 Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Suy Niệm
Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình. Ngôi Lời làm người chấp nhận có mẹ, có cha. Tuy thánh Giuse và Ðức Maria không có tương giao vợ chồng, nhưng tình yêu chẳng bao giờ thiếu ở Nadarét. Chúng ta không biết nhiều về đời sống của Thánh Gia, nhưng chúng ta thấy Hai Ðấng luôn ở bên nhau, đi chung với nhau trên những con đường, chia sẻ với nhau mọi nỗi buồn vui, trong thời gian Ðức Giêsu còn thơ ấu. Thánh Giuse đã đưa Ðức Maria đi Bêlem. Ðoạn đường cam go đối với người gần ngày sinh nở. Thánh Giuse cũng đã đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, rồi lại đưa về làng cũ. Có lần cả hai phải vất vả mấy ngày tìm con trong âu lo và nước mắt.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cả gia đình thánh lên Ðền Thờ lần đầu tiên. Một đôi vợ chồng nghèo với đứa con còn nhỏ. Ðây là một gia đình gắn bó với luật Chúa. Luật dạy người mẹ phải tẩy uế sau khi sinh con. Ðức Maria vui lòng giữ luật ấy, dù Mẹ biết Ðấng được Mẹ sinh ra là Ðấng Thánh. Luật dạy phải chuộc lại đứa con trai đầu lòng vì nó thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa. Ðức Giêsu chẳng những đã được chuộc lại, mà còn được cha mẹ Ngài tiến dâng cho Chúa.
Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Ngài đã tập làm người. Mái nhà là trường học đầu tiên. Thầy cô đầu tiên là cha mẹ. Ðức Giêsu lớn dần về mọi mặt thật hài hòa. Bé Giêsu, anh Giêsu, chú Giêsu, Ông Giêsu… Ngài lớn lên trong dòng thời gian. Thời gian là ánh mặt trời làm cho trái chín. Nhờ lao động với Cha nuôi mà Ngài trở nên vững vàng và đủ sức khỏe để đảm nhận sứ vụ. Nhờ chuyên cần học tập mà Ngài thêm khôn ngoan. Dù Ngài là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn học hỏi nơi bạn bè, kinh sư, nơi kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống. Nhờ được dạy cầu nguyện mà Ngài có tình thân với Cha. Những lời kinh đầu tiên được bập bẹ trên gối mẹ.
Nadarét đã thành trường huấn luyện Ðức Giêsu trở nên người biết sống cho người khác, và nên vị tông đồ tuyệt vời cho Cha và nhân loại. Có bao bài học sống động ở dưới mái ấm này. Bài học yêu thương, cảm thông , tha thứ, bài học phục vụ, quên mình, khiêm hạ xin vâng… Ước gì mọi gia đình Kitô hữu đều là một Thánh Gia, để mỗi người con đều trở nên một Giêsu.

Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét, Chúa đã thành một người chính chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Chúa. Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Chúa đã học nơi Mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,” xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn, Giáo hội chúng con thánh thiện hơn, nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Share:
Continue Reading →

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Ngày càng lớn lên – 30/12, Tuần bát nhật Giáng sinh.


36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Suy niệm:
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ, vì trong xã hội Ítraen thời xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông. Luca hay đặt sóng đôi những câu chuyện về các nhân vật nam và nữ. Sau trình thuật sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria, thì đến trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ. Sau sự xuất hiện của ông già Simêon nói tiên tri về Hài Nhi, thì bà Anna cũng được giới thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ. Làm ngôn sứ đâu phải là đặc quyền dành cho phái nam!
Khuôn mặt của Simêon và Anna có những nét giống nhau. Cả hai đều là những người tuổi cao và đạo hạnh. Đời sống của họ gắn bó với Đền thờ. Riêng cuộc đời của cụ bà Anna thì thật đáng phục. Cụ xuất giá được bảy năm thì ở góa, nay cụ đã tám mươi tư. Giả như cụ lấy chồng vào năm mười lăm tuổi, thì hẳn cụ đã sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm. Một thời gian dài không có chỗ dựa vững chắc của người chồng. Nhưng cụ Anna lại tìm thấy một chỗ dựa khác, vững hơn. Đó là Thiên Chúa mà cụ đêm ngày thờ phượng (c. 37). Đó là Đền thờ mà cụ coi như nhà của mình. Đời sống của một góa phụ trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ. Ăn chay cầu nguyện là cách để cụ làm chủ bản thân và thắng cám dỗ.
Simêon và Anna đều là những người cao tuổi đã và đang chờ. Họ sống để chờ những lời Chúa hứa được thành tựu, sống để chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem (c. 38). Anna có biết hôm nay nỗi đợi chờ của cụ được đáp ứng không? Với trực giác của một ngôn sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo. Như xuất thần, cụ nói về Hài Nhi cho những người chung quanh. Không phải chờ nữa, vì ơn cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến. Thiên Chúa đã giữ trọn lời hứa của Ngài.
Chúng ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta có ít thời gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét. Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành. Làm người là chấp nhận lớn lên mỗi ngày một chút về mọi mặt. Thân xác của cậu Giêsu trở nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy khôn ngoan, và về mặt tâm linh, ân lộc của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40). Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình để thành Thầy Giêsu đi rao giảng vào lúc ngoài ba mươi. Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người, qua tha nhân và kinh nghiệm, qua lao động và thách đố trong cuộc sống. Ngài chia sẻ phận người long đong của chúng ta, nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người. Xin được học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương. Xin được trở nên người có khả năng dám sống và chết cho người khác.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con luôn vui tươi. dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh con, những người – cũng như con – đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối, thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy, thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi. Khi lâm tử, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng. Và con về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Share:
Continue Reading →

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Ơn cứu độ cho muôn dân – 29/12, Tuần Bát nhật Giáng sinh.


22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Suy niệm: 
Luật lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do. Người Do Thái phải giữ Luật Chúa đã ban cho Môsê. Con trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21). Con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2), nên cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế để chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48). Người phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8), phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ. Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, bà cần làm lễ thanh tẩy. Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội. Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ.
Giuse và Maria đã vui vẻ giữ những luật này, dù ngày nay đối với chúng ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận. Hãy nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem. Họ đã vượt một quãng đường xa, với đứa con mới hơn tháng tuổi. Maria chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh. Bà đã dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo (c. 24). Dù Luật không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng. Họ muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22). Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào. Giữ Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.
Có ai nhận ra đôi vợ chồng với đứa con nhỏ này là ai không? Có, một người công chính và sùng đạo tên là Simêon. Thánh Thần hằng ngự trên ông (c. 25), và nói cho ông biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời (c. 26). Chính Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này (c. 27). Bỗng nhiên ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng, nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo. Mọi mong chờ lâu nay của ông được đền đáp. Các mục đồng đã nhận ra Đức Kitô nơi bé thơ quấn tã, nằm máng cỏ, còn Simêon nhận ra Ngài nơi em bé được bồng ẵm bởi đôi vợ chồng. Ông đã bồng Hài Nhi trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc. Môi ông bật lên lời chúc tụng của người sẵn sàng nhắm mắt ra đi. Ơn cứu độ cho muôn dân đã đến đây rồi (cc. 30-31). Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân, là Vinh quang cho Dân Ítraen của Đức Chúa (c. 32).
Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày, cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon. Thánh Thần như trò chuyện, mách bảo, thôi thúc ông từ bên trong. Thánh Thần soi sáng để ông nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy. Nhưng để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần, chúng ta cũng phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon. Chẳng còn mơ ước gì ngoài việc được gặp mặt Đức Kitô qua cuộc sống.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ. Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi nhà Tạm, nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ, những người sống không ra người. Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục, nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa. Chúa hiện diện nơi Giáo Hội gồm những con người yếu đuối, bất toàn, và Chúa cũng ở rất sâu trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa đang tạo dựng cả vu trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa. Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa. Xin cho con khám phá ra Chúa đang hẹn gặp con nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường. Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa. Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa trên bước đường đời của con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Share:
Continue Reading →

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Suy Niệm Lễ các Thánh anh Hài Tử đạo – Ngày 28/12


Các Thánh Anh Hài là những trẻ em từ 2 tuổi trở xuống, sống ở vùng Bêlem và các vùng phụ cận, cùng thời với Chúa Giêsu sinh ra. “Các Ngài đã chết vì Chúa Kitô mà không biết. Cha mẹ các Ngài than khóc các Ngài đã chết vì đạo: Chúa Kitô đã làm cho các Ngài tuy chưa biết nói mà cũng trở thành những chứng nhân anh dũng của Người” (X. Bài đọc II, Kinh sách ngày 28/12).
Khi nghe các nhà chiêm tinh hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 2-6). Biết được Bê-lem là nơi vua mới sinh ra. Hêrôđê bí mật gặp các nhà chiêm tinh và sai họ đi và dặn họ khi tìm được Hài Nhi thì về báo lại để vua cũng đến bái thờ Người(x. Mt 2, 1-8). Vua nói như vậy không phải thực lòng để đến bái thờ Hài Nhi, nhưng để biết nơi thật sự Hài Nhi sinh ra để tìm cách thủ tiêu Người. Sau khi các nhà chiêm tinh ra đi và gặp Chúa Giêsu, họ không trở lại gặp nhà vua nữa, nhưng tìm lối khác trở về quê hương. Hêrôđê cho rằng mình bị lừa, ông tức giận ra lệnh giết hết tất cả các con trẻ ở Bêlem và các vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống tính từ ngày Chúa Giêsu sinh ra. Đó là tội ác của vua Hêrôđê và là nguyên nhân cái chết của các thánh Anh Hài Tử Đạo.
Ngày hôm nay, vẫn có những Hêrôđê của thời đại, thậm chí còn ác độc hơn cả Hêrôđê ngày xưa:
Đó là tội ác phá thai mà thủ phạm chính là những người cha người mẹ, những người cộng tác, các bác sĩ y tá…Tại Việt Nam có khoảng 300 ngàn ca nạo phá thai mỗi năm.
Đó là những cá nhân và tổ chức khai thác sức lao động và tình dục của các trẻ em. Số liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm cho thấy, tại Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã phát hiện gần 2.000 vụ buôn bán người với hơn 3.800 nạn nhân. Trong đó, trên 85% số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Đó là nạn bạo hành trẻ em trong các gia đình. Theo con số thông kê của Bộ Lao động – Thương binh xã hội, đến nay cả nước có 25 triệu trẻ em,  chiếm 29% tổng dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1,2 triệu em bị khuyết tật… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ở mức báo động. Năm 2009 có 3000 vụ, đến năm 2011 đã tăng lên tới 7000 vụ. Đó là con số được phát hiện, còn con số thực có thể lớn hơn nhiều. Có nhiều hình thức bạo hành:  Bạo hành về thể xác, bạo hành về tình dục, bạo hành về tinh thần.
Trước tình trạng trên của xã hội, để bảo vệ các trẻ em, xã hội cần có những người như Thánh Giuse và Mẹ Maria. Các Ngài là những người trực tiếp bảo vệ Hài Nhi Giêsu khỏi bàn tay độc ác của Hêrôđê. Xã hội cần có nhiều trung tâm chăm sóc những người mẹ cơ nhỡ. Cần nhiều tổ chức biết bênh vực và bảo vệ các trẻ em. Đặc biệt, cần có nhiều người cha người mẹ có trách nhiệm với con cái, tôn trọng sự sống Chúa ban. Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013 nhắc nhở các gia đình phải có trách nhiệm tôn trọng sự sống như sau: “Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình”(Số 6).
Câu chuyện sau đây đáng cho mỗi người chúng ta, nhất là các bà mẹ suy nghĩ: Cách đây 59 năm, Đức cha Zbigevs Stankevis, Tổng Giám mục Riga đã suýt thành người thiên cổ nếu như mẹ của ngài nghe theo lời khuyên của mọi người rằng bà nên phá thai.
Lúc đó, bà ấy đã 40 tuổi và một bác sĩ đã đề nghị bà phá thai. Vị bác sĩ nói với mẹ tôi rằng: ‘bà già rồi và việc có thêm một đứa con lúc này không phải là một quyết định khôn ngoan,’” Đức Tổng Giám mục giáo phận Riga nước Latvia kể lại.
Mẹ của ngài đã quyết định sinh em bé. Sau này, bé trai đó đã trở thành Tổng Giám mục của giáo phận Riga.
Hàng trăm phụ nữ ở Latvia đang phải đối mặt với tình trạng khó xử như mẹ của ngài cách đây hàng thập kỷ. Năm 2002, chính phủ thông qua đạo luật ủng hộ phá thai. Để phản đối, ngài đã viết một bài có tựa đề “Tại sao tôi may mắn?”
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi vì người ta đã đề nghị giết chết tôi ngay trong dạ của mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi đã khước từ đề nghị đó và vì thế tôi sống. Tôi có thể sống để hoàn thành ơn gọi và sứ mệnh của tôi trong thế giới này. Và nếu tôi bị giết chết ngay trong dạ mẹ hôm nay sẽ có một giám mục khác ở Riga.” Đức cha Zbigevs Stankevis nói.
Mặc dù việc mang thai có nhiều khó khăn nhưng Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh rằng vẫn có những lựa chọn khác thay vì phá thai vì những người mẹ có thể giải quyết được những khó khăn ấy.
(Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J. Romereports.com)
Lạy Chúa, chúng con cám tạ Chúa đã ban cho chúng con sự sống. Có lẽ không ai trong chúng con muốn chấm dứt cuộc sống của mình. Thế mà, có rất nhiều người lại muốn kết thúc sự sống của những kẻ khác, đó là các trẻ em vô tội. Nhờ lời chuyển cầu của các thánh Anh Hài tử đạo, xin cho mỗi người chúng con biết tôn trọng sự sống của mình và biết bảo vệ sự sống của người khác. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
Share:
Continue Reading →

Khóc thương con mình - 28/12 - Tuần Bát nhật Giáng sinh - Các thánh Anh hài tử đạo.


13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! “14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

Suy niệm: 
Trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, một thời gian rất vui, chúng ta cũng nhớ đến cái chết của các Thánh Anh Hài. Không rõ đã có bao nhiêu trẻ thơ bị giết bởi vua Hêrôđê Cả. Vị vua này điên cuồng bảo vệ ngôi báu nên đã giết nhiều người, trong số đó có người vợ Do Thái và ba con trai của ông. Đối với ông, việc sát hại trẻ thơ ở Belem chỉ là chuyện nhỏ.
Trước khi giết các bé trai ở Belem, vua đã muốn giết Hài Nhi Giêsu. Nhưng Thiên Chúa có cách bảo vệ cho Con của Ngài. Giuse vẫn là người đứng mũi chịu sào trong cơn nguy khó. Sứ thần báo mộng cho ông, để ông đưa Hài Nhi và Mẹ trốn qua Ai Cập. Khi được báo, ông đã trỗi dậy giữa đêm khuya và lên đường. Cuộc trốn chạy vội vã trong đêm với những lo sợ, thiếu thốn, vất vả. Ngay từ khi chào đời, Đức Giêsu đã bị đe dọa, phải sống xa quê nhà. Đấng đem đến ơn cứu độ lại cần được cứu. Đau khổ và thập giá đã có mặt ngay từ khi Vầng Dương ló rạng.
Biết Hài Nhi Giêsu đã trốn thoát, vua Hêrôđê nổi cơn thịnh nộ, vì thấy mình bị mắc lừa bởi các nhà Đạo sĩ. Ông bực tức ra lệnh giết các bé trai dưới hai tuổi ở Belem. Tiếng khóc của trẻ thơ và của các bà mẹ vang lên như oán than. Có ai còn nghe tiếng hát cao vút của các thiên thần?   Cái chết của Các Thánh Anh Hài là cái chết đặc biệt, cái chết của những nạn nhân bé bỏng, vô tội, chưa có ý thức và tự do. Cái chết của những người chưa biết nói, chưa có lòng tin vào Giêsu. Nhưng đây là cái chết vì Đức Giêsu, nên thực sự là cái chết tử đạo. Có bao nhiêu cái chết như thế trên thế giới mỗi ngày. Cái chết không tự nguyện, không tiếng nói phản kháng. Cái chết làm bằng chứng về một giá trị quan trọng bị chối bỏ. Cái chết ấy có thể đưa người ta về với Giêsu.
Thế giới hôm nay vẫn có bao trẻ thơ chết vì bị giết. Có những trẻ thơ chết trong lòng mẹ, chết vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bệnh tật. Có những trẻ em phải nghỉ học để đi làm, bị bóc lột bởi chủ nhân. Có những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, tuổi thơ bị cướp mất. Nơi những em này, ta thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài, và thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ. Xúc phạm đến trẻ thơ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Giuse và Mẹ Maria đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu an toàn tại Ai Cập. Ai sẽ bảo vệ những trẻ em hôm nay khỏi bao tấn công của cái xấu? Ai sẽ làm gương sáng để các em còn hy vọng? Vẫn có những tiếng khóc của các bà mẹ, vì con bị giựt khỏi tay mình. Lễ Giáng Sinh và lễ các Thánh Anh Hài là lễ của trẻ thơ. Chăm sóc cho trẻ thơ hiện tại là cách xây dựng tốt nhất cho tương lai. Xin Chúa cho chúng ta dám làm một điều gì đó cho các em.

Cầu nguyện:
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc. Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới, những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán, những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường, những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ; nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay của từng người chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Share:
Continue Reading →

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Tên cháu là Gioan – 23/12, trước Lễ Giáng Sinh.


57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả”. 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan”. Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Ðứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.

Suy niệm:
Vào trước lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu, Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về sự chào đời của Gioan Tẩy giả.
Có vẻ bà Êlisabét là người vui hơn cả. Bà đã mang nỗi hổ nhục từ bao năm nơi người đời (Lc 1, 25), bây giờ bà mới thấy rõ lòng thương xót bao la của Chúa (c. 58). Niềm vui của bà được tăng lên nhờ láng giềng, thân thích đến thăm. Thiên Chúa bắt bà chờ quá lâu, đến mức bà chẳng còn hy vọng. Rồi bất ngờ bà lại được tất cả những điều mình mong ước. Có một đứa con trai lúc đã cao niên, điều đó kể như một phép lạ.
Khi bà khăng khăng đòi đặt tên cho đứa con là Gioan (c. 60), nhiều người ngăn cản, vì không ai trong dòng tộc mang tên này, vì cứ sự thường, con phải được đặt tên theo tên cha. Nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay ông Dacaria. Ông mới là người có quyền đặt tên cho con trai ông. Vì ông câm và điếc, nên ông cần một cái bảng nhỏ để ghi tên con. “Tên cháu là Gioan” (c. 63). Tên này trùng với tên vợ ông đề nghị. Chính lúc Dacaria vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan, thì lập tức miệng ông được mở ra và lưỡi ông được tháo cởi (c. 64). Giờ đây ông có thể chúc tụng Thiên Chúa sau hơn chín tháng bị câm. Những người thân thích, xóm giềng đi từ ngỡ ngàng đến kinh sợ. Quả thực có nhiều điều lạ lùng vây quanh sự chào đời của cậu bé. Người ta đồn thổi tin này khắp miền núi Giuđê.
“Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao?” (c. 66). Làm sao biết tương lai của đứa trẻ mới được tám ngày tuổi. Nhưng qua những biến cố lạ lùng xảy ra: ông bà sinh con trong lúc tuổi già, ông bị câm rồi lại được khỏi, ông bà cùng nhất trí về tên của đứa con dù không trao đổi trước, người ta nhận ra bàn tay Chúa ở với em (c. 66). Em đúng là Gioan, tiếng Híp-ri nghĩa là Thiên-Chúa-tặng-ban, bởi em là quà tặng cho gia đình, dân tộc và cho cả nhân loại. Cậu bé Gioan đã từ từ lớn lên và theo một lối sống khác thường. Cậu không lập gia đình và sống khắc khổ nơi hoang địa (c. 80).
Lễ Giáng Sinh là lễ của trẻ thơ, của niềm hy vọng. Mỗi trẻ thơ chào đời đều là một dấu hiệu của tình thương Chúa. Ngay một cuộc sinh nở bình thường cũng là một điều lạ lùng. Mỗi trẻ thơ được cha mẹ đặt tên, nhưng tên của em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa. Em nào cũng là một quà tặng cho thế giới, em nào cũng là một Gioan. Mỗi em đều có chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp em tìm thấy ơn gọi riêng của mình, và trưởng thành nhờ sống trọn vẹn ơn gọi đó. Xin được chung vui với gia đình Dacaria và mọi gia đình trên địa cầu.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, con được no nê mà vẫn thiếu ăn, vì bên con còn có người đói lả. Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran, vì bên con còn có người đang khát.
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi, vì bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm, vì bên con còn có người mù tối.
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi, vì bên con còn có người trần trụi.
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức, vì bên con còn có bao người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Share:
Continue Reading →

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Nữ tỳ hèn mọn – 22/12, trước Lễ Giáng Sinh.


Lời Chúa: Lc 1, 46-56
46 Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49 Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn ! 50 Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 54 Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, 55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời. 56 Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Suy niệm:
Bài ca ngợi khen Đức Chúa bật ra trên môi Maria sau khi bà Êlisabét cất tiếng ca ngợi Mẹ. Êlisabét ca ngợi Maria là người được chúc phúc hơn mọi phụ nữ vì Mẹ đang cưu mang trong dạ Đấng Cứu Tinh. Bà còn ca ngợi Maria có phúc vì đã dám tin vào lời Chúa phán, và dám liều để cho lời ấy dẫn dắt đời mình. Nhờ được tràn đầy Thánh Thần, Êlisabét mới biết được Tin Vui mà Maria tưởng rằng đó là bí mật chỉ riêng mình biết. Khi đứng trước bà chị cao niên đang mang thai, Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần nói, và vào mầu nhiệm đang âm thầm lớn lên nơi cung lòng mình. Khi bà chị Êlisabét ca ngợi Mẹ, thì Mẹ hân hoan ca ngợi Thiên Chúa. Maria nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Độ của Mẹ (c. 47.) Nếu Mẹ được đầy ân sủng, được Chúa ở cùng và được đẹp lòng Ngài, nếu Mẹ được thụ thai Con Đấng Tối Cao nhờ Thánh Thần (Lc 1, 28-35), thì đó không phải là do công của Mẹ, nhưng là ơn của Chúa. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (c. 49). Maria không có một sự khiêm nhường giả tạo về mình. Khiêm nhường thực sự là nhìn nhận sự thật. Mẹ nhìn nhận những điều độc nhất vô nhị Chúa làm cho đời mình. Ngài đã nhìn xuống đời Mẹ, cuộc đời thấp hèn của một tỳ nữ. Và cái nhìn cúi xuống của Ngài đã nâng Mẹ lên cao, khiến cho muôn thế hệ phải ngợi khen, tôn kính (c. 48).
Nhưng Maria không phải là người duy nhất được Thiên Chúa thi ân. Ngài thương xót những ai hèn mọn, đói nghèo, biết kính sợ Chúa. Ngược lại, Ngài giơ cánh tay biểu dương sức mạnh (cc. 50-53), để dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi đi kẻ giàu sang. Thiên Chúa đầy thương xót, nên cũng mạnh tay để tạo lại sự công bằng, để đem lại sự no đủ cho người nghèo và sự tự do cho người bị áp bức. Thiên Chúa ấy cũng trung tín giữ lời hứa với Dân Ítraen (cc. 54-55). Maria đã ở lại với bà chị họ độ ba tháng mới trở về nhà. Ba tháng mang thai đầu tiên của một người mẹ trẻ đâu có dễ. Maria đã ở lại để phục vụ cho bà Êlisabét gần ngày sinh. Mẹ quên gánh nặng của mình để mang gánh nặng của người khác. Êlisabét hẳn là vui vì được hầu hạ bởi Thân Mẫu Chúa. Gioan trong bụng mẹ sung sướng vì được gần Đấng Thiên Sai. Ít khi ta suy niệm chuyện Đức Maria mang thai hơn chín tháng. Thai Nhi Giêsu lớn dần lên từng ngày trong dạ mẹ, chờ ngày chào đời. Tình Mẹ-Con cũng lớn lên, thân thiết, gần gũi. Mang thai và sinh con là niềm vui, nhưng đòi bao hy sinh nhọc nhằn, nhất là vào thời xưa, khi vệ sinh và tiện nghi không có. Để sinh Đức Giêsu cho thế giới hôm nay, vẫn cần có những Maria chấp nhận cưu mang, chấp nhận vượt cạn, chấp nhận kiên nhẫn chờ đợi để sinh những Giêsu cứng cáp cho thế giới.

Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Share:
Continue Reading →

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Thánh TĐVN Phêrô Trương Văn Thi - Linh mục (1763-1839) - 21/12

Thánh Phêrô Trương Văn Thi sinh năm 1763 tại làng Kẻ Sở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam trong một gia đình Công giáo nghèo nhưng được tiếng là gia đình rất đạo hạnh.
Năm 11 tuổi cậu Phêrô Thi dâng mình vào Nhà Đức Chúa Trời để tu học và tập luyện các nhân đức, rồi cậu Thi được gửi vào nhà trường  để học La tinh. Năm 33 tuổi thì thầy Phêrô Trương Văn Thi được trở thành Thầy Giảng. Thầy sốt sắng và nhiệt tình với công vụ được trao phó. Thầy có nhiều sáng kiến và nhờ lòng đạo đức cũng như tinh thần hăng say phục vụ nên Thầy rất thành công trong công việc giảng dạy giáo lý và công cuộc truyền giáo. Sau ít năm, Bề trên nhận thấy Thầy là người có nhiều khả năng tốt lại giầu lòng đạo đức nên Bề trên gọi về học Thần học rồi tới ngày 22 tháng 3 năm 1806 Thầy lãnh chức linh mục năm 43 tuổi.
Ngay sau khi lãnh nhận chức linh mục, Bề trên đã bổ nhiệm cha Phêrô Trương Văn Thi về coi sóc giáo xứ Sông Chảy, thuộc phủ Đoàn Hùng, tỉnh Phú Thọ. Suốt cuộc đời linh mục của cha, cha đã phục vụ giáo xứ này trong 27 năm trường, từ năm 1806 tới năm 1833.
Tới năm 1833 lúc cha đã 70 tuổi, Bề trên lại bổ nhiệm cha về nhận chánh xứ Kẻ Sông cho tới năm 1839 được phúc tử vì đạo. Theo lời chứng của các tín hữu trong các giáo xứ này thì cha Phêrô Trương Văn Thi “là một linh mục đạo đức rất đặc biệt. Mỗi ngày cha đọc kinh lâu giờ ba bốn lần, dâng lễ nghiêm trang, ăn uống đạm bạc, thường ăn chay các ngày thứ Sáu, mặc dầu sức khoẻ của Ngài rất yếu kém với chứng hay bị sốt và đau bụng thường xuyên”. Cha Jeantet Khiêm, sau làm Giám mục Tây Đàng Ngoài đã viết về cha Phêrô Trương Văn Thi như sau: “Tôi quen biết ngài từ năm 1835, tôi cảm phục ngài về lòng đạo đức sâu xa, tính tình hiền hoà, khôn ngoan và rất trung thành gìn giữ lề luật”. Cha sống rất nghèo khó, ngoài áo chùng thâm, cha chỉ mặc bộ đồ nâu vải sồi như những người nông dân nghèo nàn trong vùng. Tại nhà xứ, mọi người phải giữ kỷ luật nghiêm chỉnh, chăm chỉ học hành, đọc sách và không được nói chuyện với nữ giới lâu giờ. Chính ngài, khi tiếp khách cũng rất mực khiêm tốn, ít lời. Nhưng với các anh em linh mục thì ngài tỏ ra rất hiếu khách, truyện trò vui vẻ, đón tiếp tận tình. Tuy là cha xứ một xứ lớn, nhưng cha còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều họ lẻ nữa, vì thế trong một năm cha chỉ ở tại nhà xứ chừng hai tháng, còn lại thì cha tới ở tại mỗi họ lẻ chừng một tháng để lắng nghe và giúp đỡ, dạy dỗ và khuyến khích giáo hữu sống đạo tốt, thi hành đức bác ái với nhau cách trọn vẹn hơn. Một lần kia khi cha tới giúp họ Thác Ba đi trên chiếc thuyền đò qua sông bị đắm. Người đi theo giúp cha bị chết đuối, còn cha sống sót nhờ may mắn ôm hòm đựng đồ lễ nên không bị chìm.
Tới năm 1838 do sắc lệnh nghiêm ngặt của vua Minh Mạng cấm đạo trên toàn quốc rất dữ dội, cha Phêrô Trương Văn Thi phải ẩn trốn trong các nhà giáo dân, nay đây mai đó, không thể làm mục vụ được. Nhiều khi có những bệnh nhân hấp hối gần chết mà ngưòi ta cũng không dám mời cha tới vì sợ cha bị bắt. Cha căn dặn họ phải giúp bệnh nhân dọn mình chết lành, dâng phó mọi sự cho Chúa, để Chúa xếp liệu. Phần cha, vì tuổi già sức yếu mà phải trốn tránh, sống chui rúc dưới hầm dưới hố nhưng cha rất vui vẻ, can đảm, niềm nở với mọi người. Cha luôn tín thác mọi sự trong tay Chúa. Có lần cha tâm sự với giáo dân, những người hay lui tới giúp đỡ cha trốn tránh rằng: “Cha phó dâng hồn xác cha trong tay nhân từ của Chúa. Nếu Chúa muốn cha dâng sự sống của Cha để làm chứng cho đạo thánh Chúa thì cha sẵn lòng vâng theo ý Chúa. Cha chỉ sợ Chúa không nhận cha vì cha tội lỗi, bất xứng mà thôi”.
Ngày 10 tháng 10 năm 1839, cha Anrê Dũng Lạc ở xứ bên cạnh thường hay lui tới gặp cha Phêrô Thi để bàn hỏi công việc mục vụ và xưng tội. Hôm ấy viên lý trưởng trong làng biết tin cha Dũng Lạc tới và cha Thi đang trú ẩn tại nhà ông khán Hộ nên bất thần ông đưa bốn người gia nhân đến bắt hai cha. Lúc bấy giờ là 12 giờ trưa. Lúc đầu lý Pháp ra lệnh trói cả hai cha, nhưng sau thì lại ra lệnh cởi trói và mời hai cha ngồi để nói chuyện. Lý Pháp hỏi hai cha:
- Các ông biết là đã có lệnh vua cấm đạo Gia Tô rồi mà tại sao các ông còn ngoan cố sống lén lút và đi truyền đạo?
Cha Phêrô Trương Văn Thi trả lời:
- Thiên Chúa sai chúng tôi đi để dạy người ta tập tành nhân đức, sống tốt lành, làm việc thiện ích, tôn kính cha mẹ. Đạo chúng tôi không dạy điều gì sai trái cả.
- Dù đạo phải hay trái không thành vấn đề, nhưng có lệnh vua cấm thì tôi phải bắt các ông.
Cha Dũng Lạc nói:
- Điều đó tùy ý các ông. Chúng tôi luôn trung thành thi hành bổn phận của chúng tôi, dù có phải chết vì đạo Chúa chúng tôi.
Tuy ông lý trưởng nói thế, nhưng ông lại đề nghị nộp cho ông 200 quan thì ông sẽ trả tự do cho hai cha. Hai cha nói, điều đó tùy các tín hữu. Lý trưởng Pháp cho gọi các tín hữu tới để dàn xếp công việc. Khi các tín hữu mới góp được 100 quan, thì ông chỉ tha cha Dũng Lạc, còn cha Thi thì ông ra lệnh giữ lại. Cha Dũng Lạc trên đường trở về nhà, một toán lính khác lại phục kích bắt cha. Được tin đó, lý Pháp sợ bị lộ nên không dám cho giáo hữu chuộc cha Thi nữa. Ông cho áp giải cha Thi về nộp cho quan huyện Bình Lục. Trên đường bị giải về huyện Bình Lục, cha Phêrô Thi lại gặp bọn lính khác cũng áp giải cha Dũng Lac về huyện. Thế là từ đây, hai cha vui mừng cùng chung một số phận tù tội và được sống bên nhau cho tới khi lãnh triều thiên tử đạo trên Nước Trời.
Tới huyện Bình Lục, vì các tín hữu đã đút lót với quan huyện nên chỉ làm tờ trình là bắt được hai cha ở ngoài đồng lúa để giáo dân không bị liên lụy. Quan huyện vui vẻ chấp nhận và khi thấy cha Trương Văn Thi đã già yếu mà trời rất lạnh thì quan hỏi cha Thi có chăn (mền) đắp không thì anh đội lính thưa thay cha rằng :
- “Ông Lý Pháp đã lấy chăn và quần áo của cha rồi”. 
Nghe nói thế, quan huyện nổi nóng quát lớn:
- “Bảo Lý Pháp phải trả lại ngay chiếc chăn và quần áo cho cha Thi”.
Quan huyện Bình Lục tiếp đón các ngài rất tử tế, mời các ngài ngồi trên chiếc chiếu sạch sẽ, nói chuyện đàng hoàng. Khi giáo dân dọn cơm thì quan bắt lấy mâm của mình mà dọn cho hai cha ăn. Sau ba ngày, quan huyện Bình Lục cho giải hai cha về Hà Nội. Giáo dân đông đảo theo khóc lóc. Nhìn cảnh cha con từ giã nhau, quan huyện xúc động an ủi và hỏi:
- Đạo dạy những gì mà các tín hữu thương khóc các ngài như thế hả?
Một bà cụ nghe quan huyện hỏi thì thưa lại:
- Bẩm quan lớn, các Cụ dạy chúng tôi những điều nhân đức. Chồng phải hiền lành, không cờ bạc, rượu chè, gian dâm, còn vợ thì phải biết nhịn nhục, vâng lời chồng, thủy chung với chồng. Con cái phải kính trọng cha mẹ, thảo hiếu với cha mẹ.
Thấy cha Thi vì già yếu, đi không được nữa, quan bảo giáo dân  thuê cáng để đưa cha đi. Quan huyện Bình Lục rất trọng kính và quí mến hai cha. Ngày hôm trước khi cho lệnh đưa nộp hai cha về Hà Nội, quan huyện cho lệnh giết heo để cúng tế trời đất và lớn tiếng thanh minh:
- Không phải lỗi tại tôi muốn bắt bớ những người hiền lành đạo đức như thế này. Nhưng chỉ vì lệnh vua ban xuống, tôi phải vâng theo mà thôi. Xin án phạt có xuống thì xuống trên người đã ra lệnh, bề dưới phải tuân theo mà thôi.
Hai cha được đưa lên Hà Nội bằng thuyền theo đường sông Hồng Hà. Giáo dân kẻ đi thuyền người đi bộ, đi theo rất đông. Ngày 16 tháng 11 thuyền cập bến. Hai cha bị áp giải đưa vào nộp cho quan Tổng Đốc, và được giam trong trại gần cửa đông, không phải ở chung với các tù nhân khác. Các lính gác cũng xử đối với hai cha rất tử tế. Họ nói:
- Chúng tôi biết các cụ không phải như các tù nhân khác. Hai cụ hiền lành không nghĩ tới việc trốn nên chúng tôi chẳng dám làm khổ các cụ.
Cha Thi vì già yếu nên không phải đeo gông, còn cha Dũng Lạc thì chỉ phải đeo gông có 3 tối mà thôi. Khi lính đưa đồ ăn tới cho hai cha thì hai cha lại chia sẻ cho lính canh gác cùng ăn. Một ngày hai buổi các cha đọc kinh chung với nhau trong sự bình an, tin cậy mọi sự nơi Chúa. Về vật chất thì có tổng Thìn và bà Ro thuộc nhà dòng Kẻ Bối thường lui tới thăm nuôi.
Hai cha phải tra khảo ba lần. Mỗi khi bị tra khảo thì cha Thi vì già yếu và tai bị hễnh hàng nên mọi chuyện cha Dũng Lạc trả lời  thay cho cha Thi hết.
Quan huyện Bình Lục cũng trình với quan đốc rằng “hai Cụ Đạo Trưởng thà chịu chết chứ không bước qua ảnh đạo. Tôi đã thúc ép hai lần ở dưới huyện mà không sao thuyết phục được các cụ. Hai cụ này hiền lành và thật tha, xin quan đốc thương xét”
Đã ba lần quan thượng khuyên dụ hai cha quá khoá nhưng các ngài vẫn một mực cương quyết thà chết chứ nhất định không bước qua Thập Giá. Có lần anh lính đã đẩy cha Thi ngã sấp mình xuống cây Thập Giá. Cha ôm hôn Thập Giá. Cha Dũng Lạc cũng bị xô ngã. Nhưng cha Dũng Lạc chỗi dậy được.
Các quan biết không thể thuyết phục được hai vị chiến sĩ Đức Tin dũng cảm này nên các quan đã làm bản án tử hình cho các ngài như sau: “Sau khi họp Hội Đồng, các thần là Nguyễn Phúc Hoan, quan hộ và Lương Mộc Quang, quan án, đã xem xét kỹ lưỡng hai tội phạm Trần An Lạc (cũng gọi là Dũng Lạc) và Trương Văn Thi đã theo tà đạo Gia Tô từ thuở nhỏ và dụ dỗ lê dân. Họ đã ghi khắc sâu đạo lý sai lầm từ lâu chứ không phải một vài ngày. Hoàng Thượng đã ra nhiều chiếu chỉ cấm dạy dỗ dân chúng đạo này và bắt từ bỏ những thói tục sai trái. Thế nhưng họ chẳng những đã không tuân lệnh mà còn tàng trữ sách đạo và ẩn trốn cho đến ngày bị bắt. Được khuyên bảo bước qua Thập Giá mà họ vẫn một mực cố chấp, xin được chết hơn là làm điều này. Hiển nhiên là đạo này đã ăn sâu vào tâm hồn chúng. Vậy các thần xét nghĩ là họ đáng chết theo như luật quốc gia đã định rằng kẻ nào tàng trữ sách quấy phá, hoặc dạy dỗ thực hành quái lạ thì phải giam trong ngục cho đến khi được định thể khác. Vậy đối với hai tội phạm Trần An Dũng (Lạc) và Trương Văn Thi, các thần muốn áp dụng khoản luật này. Nhưng xét cho cùng, hai tội phạm này đáng chịu một hình phạt nặng nề hơn nữa. Chúng phải chém đầu để răn bảo những người khác, xem gương mà khiếp sợ.”
Trong khi chờ đợi bản án được châu phê, cha Thi biết chắc mình sẽ được phúc tử đạo. Cha Phêrô Trương Văn Thi sốt sắng dọn mình xưng tội, đọc kinh cầu nguyện và ăn chay các ngày thứ Tư, Sáu, Bảy. Ngày 21 tháng 12, cha Trân lén mang Mình Thánh Chúa vào cho cha Dũng Lạc nhận rồi trao cho cha Thi cùng rước Mình Thánh Chúa. Đây là lần cuối cùng hai cha được rước Mình Thánh Chúa trong nhà tù dưới trần gian. Cũng chính trưa ngày hôm ấy, hai cha nhận được tin bản án đã được châu phê. Hai cha vội đem phân phát cho các lính canh những đồ dùng còn lại. Ngay sau đó, quan quân thi hành án lệnh dẫn các cha ra pháp trường. Cha Phêrô Trương Văn Thi vì già sức yếu đã ngã trên đường. Lúc ấy có một tên lính đến nói nhỏ với cha, mình cũng là một tín đồ, xin cõng cha trên lưng. Cha liền cởi đôi xăng đan, một đồ dùng cuối cùng trao cho anh. Tới pháp trường là Ô Cầu Giấy, cha quì cầu nguyện trên chiếc chiếu do các bà Dòng đã trải sẵn. Quan ra lệnh dân chúng phải đứng ở xa và khi nghe hiệu lệnh thì lý hình phải chém ngay một nhát đứt đầu. Thi hành xong mọi việc thì quan quân rút về. Giáo dân chạy tới thấm máu vị tử đạo, thâu lượm các di vật rồi nhận xác cha thánh Phêrô Trương Văn Thi đem về cử hành lễ an táng long trọng tại Kẻ Sở.
Sau đó dân chúng truyền khẩu cho tới ngày nay, nói rằng: ông lý Pháp bắt hai cha đã hóa ra điên khùng, còn cô con gái của ông lấy khăn thánh may yếm để mặc đã bị thổ tả chết ngay một ngày sau khi mặc chiếc yếm ấy vào người.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn cha Phêrô Trương Văn Thi lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.
ChaThánh Phêrô Trương Văn Thi
Một lòng vì Chúa ra đi
Tuổi già sức kiệt cha Thi ngã hoài
Giáo dân là lính đến nài:
Cha cho con cõng, cha hài lòng không?
Đôi xăng đan, món cuối cùng
Cởi ra cho lại đồ dùng trần gian
Đây Ô Cầu Giấy là bàn
Hiến dâng thân xác Chúa ban về trời
Lệnh quan Giám Sát truyền lời
Cấm ai thấm máu lính thời phải tuân
Chém đồng loạt chỉ một lần
Thật điêu luyện, chém một phần dính thân
Ý là muốn giúp giáo dân
Dễ dàng ráp lại  trọn phần khi chôn
Nhưng quan bắt cắt đứt luôn
Đầu lìa  hẳn cổ  kẻ buồn người vui
Quan và lính mới rút lui
Đem về Kẻ Sở chọn nơi táng Ngài
Ác nhân ác báo chẳng sai
Trưởng làng tên Phát vì ai điên cuồng
Còn cô con gái đã dùng
Khăn thờ may yếm, lăn đùng chết ngay
Mặc vào mới được một ngày
Tấm gương phạm thánh đời này nhớ ghi.
(Trương Hoàng)
Lm. Nguyễn Đức Việt Châu SSS
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org


Share:
Continue Reading →