Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Lễ nhớ Thánh John Vianney, linh mục - Thứ Sáu Tuần 17 Thường Niên


Thánh Gioan Baotixita Vianney (1786-1859)
Thật ít người có được sự quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua các trở ngại và đạt được các kỳ công. Thánh Gioan Baotixita Vianney (còn được gọi là Cha Sở họ Ars) là một người có quyết tâm: Ngài muốn trở nên một linh mục. Nhưng trở ngại lớn nhất là ngài không có căn bản học vấn cần thiết.
Sau thời gian nhập ngũ và trở lại chủng viện, ngài không hiểu nổi các bài học bằng tiếng Latinh nên bị đuổi ra khỏi trường. Nhờ sự giúp đỡ kiên nhẫn của Cha Balley để dạy riêng ở nhà, sau cùng Gioan được nhận trở lại và được thụ phong linh mục với nhiều cay đắng.
Hầu như chẳng giám mục nào muốn có một linh mục như Gioan, do đó, họ đưa ngài về một giáo xứ hẻo lánh, chỉ có 40 gia đình nhưng có đến 4 quán rượu. Khi ngài đến tỉnh Ars nước Pháp, lúc ấy đã 31 tuổi, hầu như chẳng ai thèm lưu ý. Tỉnh này nổi tiếng là nơi đầy ải các linh mục. Giáo dân thì thờ ơ với việc đạo đức và thoải mái với nếp sống cố hữu của họ.
Không bao lâu họ thấy có những thay đổi. Khi nhìn trộm qua cửa sổ họ thấy cha sở gầy gò ốm yếu cầu nguyện suốt đêm. Có người thấy ngài vất bỏ các bàn ghế đắt tiền và thay chiếc giường nệm êm ấm bằng các khúc gỗ sần sùi. Cũng có người thấy ngài chia sẻ quần áo cho người ăn xin, và chính ngài chỉ ăn có hai củ khoai mỗi ngày. Một vài người tò mò đến nhà thờ nghe giảng, và họ thấy tiếng nói của ngài như xé vào tai nhưng có sức đánh động tâm hồn. Từ tò mò dẫn đến nghi vấn. Có thể nào đây là một linh mục đích thực? Và nhà thờ bắt đầu đông người trở lại.
Cha Gioan đã trở nên một phần tử của cộng đồng nhỏ bé ấy. Mỗi ngày ngài đi thăm các giáo dân và lắng nghe những ưu tư của họ. Ngài không hiểu tiếng Latinh nhưng ngài rất hiểu các nỗi khó khăn của đời sống người dân. Do đó, sau mười hai năm, hầu như mọi người trong tỉnh đều tham dự Thánh Lễ hàng ngày và các nông dân vừa lần chuỗi vừa cầy cấy nơi đồng áng.
Sự thay đổi không phải dễ dàng. Những dèm pha, đàm tiếu, chụp mũ Cha Gioan cũng không thiếu. Ðối phó với những người ấy, ngài chỉ im lặng và nhẫn nhục chịu đựng.
Công việc giải tội là thành quả đáng kể nhất của Cha Gioan. Khi mới chịu chức linh mục, ngài không được phép giải tội vì học lực quá kém. Nhưng ở họ đạo Ars, điều giáo dân lưu tâm là ngài có khả năng thấu suốt linh hồn họ, khuyên bảo họ một cách chân thành với tấm lòng quý mến.
Dân chúng từ khắp Âu Châu đổ về tỉnh nhỏ xíu ấy chỉ để xưng tội. Trong những tháng mùa đông, ngài phải mất từ 11 đến 12 tiếng đồng hồ để đưa người ta về với Thiên Chúa. Trong mùa hè, thời gian giải tội lên đến 16 tiếng. Ðó là chưa kể cảnh giáo dân, vì quá ái mộ ngài nên họ luôn rình rập để cắt áo, cắt tóc và lấy trộm mũ của ngài làm kỷ niệm. Nhưng các điều ấy không tệ hại cho bằng cứ phải nghe những câu chuyện đau lòng trong toà giải tội. Nếu một người không quyết tâm sống ơn gọi linh mục thì không thể nào chịu đựng nổi sự hy sinh bền bỉ như vậy.
Với thân hình mảnh khảnh nhưng gánh nặng quá lớn vì yêu quý các linh hồn, sức khoẻ của ngài ngày càng sa sút. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài tìm cách trốn khỏi giáo xứ để có chút thời giờ tĩnh dưỡng, nhưng cả xứ biết tin đã tìm cách chặn đường ngài. Bất chấp điều ấy, ngài lên đường trở về quê nhà nhưng cả đoàn người hành hương lại theo ngài đến đó. Biết rằng không thể nào được yên thân, ngài trở về họ đạo.
Ngài từ trần ngày 4 tháng Tám 1859 sau cơn bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1925 và năm 1929, ngài được đặt làm quan thầy chính thức của các cha xứ.
Lời Trích
Nhận xét về sự cầu nguyện chung trong phụng vụ, Thánh Gioan Vianney cho biết: "Cầu nguyện riêng giống như cọng rơm rải rác đó đây: Nếu bạn đốt lên nó chỉ tạo thành ngọn lửa nhỏ. Nhưng gom các cọng rơm ấy lại và đốt lên, bạn có được ngọn lửa lớn, vươn lên cao như một cột lửa đến tận trời xanh; cầu nguyện chung thì cũng giống như vậy."
Trích từ NguoiTinHuu.com

Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người. Ngài đến với chúng ta trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống. Muốn nhận ra Chúa, chúng ta cần có ánh sáng của niềm tin.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 13, 54-58)
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người. Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su,

Lớn Lao Việc Chúa Làm - Thánh Vịnh 125




Share:
Continue Reading →

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Viên ngọc quý - Thứ Tư Tuần 17 Thường niên


Nghệ Thuật Làm Lửa
Thời xa xưa, tìm được cách làm ra lửa là cả một phát minh vĩ đại...
Có một nhà phát minh nọ, sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc này sang bộ lạc khác để quảng bá phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu phương pháp của ông mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng con người quảng đại này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm hạnh phúc của ông là thấy được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự phát minh của ông.
Cũng giống như những bộ lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm ra lửa cũng hồ hởi đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ lòng ghen tức, họ âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi mưu sát ông, để đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của ông và đặt trên bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính nhắc đến như một đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được các tư tế cho đặt vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy lòng tin mà chạm đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị Thượng tế của bộ lạc cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát minh ra lửa. Quyển tiểu sử ấy cũng trở thành một thứ sách Thánh trong đó gương sáng, đời sống gương mẫu của vị đại ân nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng cho mọi người noi theo. Các tư tế cũng tự nhận cho họ quyền được giải thích về cuộc đời và các lời răn dạy của vị phát minh.
Ðể đảm bảo tính cách tinh ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế ra vạ tuyệt thông hoặc tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải thích của họ. Dân chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lưòi giải thích của các vị tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa.
Câu chuyện ngụ ngôn trên đây đã được một vị linh đạo nổi tiếng của Ấn Ðộ là linh mục Anthony De Mello ghi lại trong các câu chuyện có nội dung giáo lý của cha. Qua câu chuyện này, cha De Mello như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng cái khuynh hướng chung của những người có tôn giáo là dễ dàng quên đi chính cái cốt lõi của tôn giáo. Con người dẽ bám vào những nghi thức bên ngoài của tôn giáo mà quên đi sứ điệp thiết yếu của nó. Chiến tranh tôn giáo, sự bất khoan dung của các tín đồ đều bắt nguồn từ khuynh hướng trên.
Người tín hữu Kitô chúng ta có lẽ cũng không thoát khỏi khuynh hướng ấy. Chúng ta dễ bị cám dỗ nhìn vào đạo của chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những nghi thức, của những điều phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của đạo chúng ta chính là tình yêu. Chúng ta sẵn sàng nhân danh Chúa, nhân danh đạo lý để loại trừ, để bách hại người anh em bằng cách này hay cách khác. Rốt cục cũng giống như bộ lạc cuối cùng trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, lửa của yêu thương mà Chúa Giêsu đã mang đến, chúng ta đã dập tắt đi để thay vào đó bằng những nghi thức thừa thãi trống rỗng. Chúng ta dễ dàng thay thế đạo của yêu thương, đạo của Tin Mừng bằng đạo của hình thức, đạo của giả hình...
Quên đi cốt lõi của Tin Mừng là Yêu Thương, chúng ta cũng loại bỏ chính Chúa Kitô ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Không chừng chúng ta cũng đang đóng đinh Ngài một lần thứ hai. Lời Kinh của chúng ta sẽ chỉ là những tiếng kêu trống rỗng, các nghi thức của chúng ta sẽ chỉ là những trò hề, nếu cuộc sống của chúng ta chưa được thấm nhuần, tưới gội bằng Lửa của Yêu Thương mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta

Trích sách Lẽ Sống.

Nước Trời có một giá trị cao quý vô cùng đến độ có thể đánh đổi tất cả những gì ta có. Thế nhưng điều quan trọng hơn, đó là con người phải nhận ra giá trị cao quý ấy.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 13, 44-46)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su,
Tình Chúa biến đổi đời con.

Share:
Continue Reading →