Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Không thuộc về thế gian - Chúa nhật 33 Thường niên A – Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam



Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Theo quốc tịch, 117 Thánh Tử đạo Việt Nam được chia ra như sau:
•        11 vị gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh,
•        10 vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris,
•        96 vị người Việt: 37 linh mục và 59 giáo dân - trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và một phụ nữ là bà Anrê Lê Thị Thành.
Theo Việt sử, các vị này đã bị giết trong những đời vua chúa sau đây:
•        2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767),
•        2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782),
•        2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802),
•        58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841),
•        3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847),
•        50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883).
Trong thế kỷ 18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 ngàn người Công giáo đã chết vì đạo; riêng trong thời gian từ 1857 đến 1862, có khoảng 5 ngàn tín hữu bị giết, khoảng 40 ngàn tín hữu cùng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo. Trong số đó có 117 vị, tử đạo từ 1745 đến 1862, được Giáo hội Công giáo Rôma tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:
•        Ngày 27 tháng 5 năm 1900 (thời Giáo hoàng Lêô XIII): 64 vị
•        Ngày 20 tháng 5 năm 1906 (thời Giáo hoàng Piô X): 8 vị
•        Ngày 2 tháng 5 năm 1909 (thời Giáo hoàng Piô X): 20 vị
•        Ngày 29 tháng 4 năm 1951 (thời Giáo hoàng Piô XII): 25 vị
Và được tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Tổng hợp.

Lời Chúa: (Ga 17,11b-19)
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: 11b “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

Suy Niệm
“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Ðức Kitô.
Ðó là câu trả lời của ông Micae Hồ Ðình Hy khi vua Tự Ðức mời ông giả vờ bước qua thánh giá. Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, cho phụ trách ngành dệt trong cả nước. Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ. Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội. Khi quân Pháp bắn phá cảng Ðà Nẵng thì ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình. Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản. Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc, hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.
Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay. Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ.
“Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,18).
Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết. Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân… Ngài đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó. Thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ, và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn. “Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,16). Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian.
Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội, nhưng họ có một thang giá trị riêng. Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng. Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới. Họ là nhúm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích. Chúng ta vẫn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây. Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh, thế đứng dễ ghét, thế đứng đòi phải trả giá.
Tử đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại. Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác. Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái… Thế gian không ở ngoài ta, thế gian ở ngay trong lòng ta. Ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát, khi can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu.

Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời, Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài. Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế. Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét