Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Thánh Lêo Cả GH - Thứ Sáu Tuần 31 Thường niên (năm lẻ)


Thánh Lêo Cả (400-461)
Ý thức được tầm quan trọng của vị Giám Mục Rôma, và của Giáo Hội lữ hành như dấu chỉ sự hiện diện của Ðức Kitô trong trần thế, Thánh Lêo Cả đã hết sức tận tụy trong vai trò của một giáo hoàng. Ðược chọn làm "đấng kế vị Thánh Phêrô" vào năm 440, ngài làm việc không ngừng, hướng dẫn các giám mục dưới quyền như "những người ngang hàng về quyền bính cũng như sự yếu đuối con người."
Thánh Lêô nổi tiếng là một trong các giáo hoàng giỏi về quản trị trong thời Giáo Hội xưa. Sự nghiệp của ngài được chia ra làm bốn lãnh vực chính, chứng tỏ ngài có cái nhìn chính xác về trách nhiệm tổng quát của một giáo hoàng đối với đàn chiên của Ðức Kitô. Thứ nhất, ngài kiên trì chống với bè rối Pelagian, Manichae và các bè rối khác, ngoài ra ngài cũng áp đặt các quy luật để duy trì sự chân thực của đức tin Kitô Giáo. Lãnh vực thứ hai mà ngài lưu tâm là sự mâu thuẫn với Giáo Hội Ðông Phương về bản tính của Ðức Kitô mà ngài đã giải quyết bằng thư từ. Thứ ba, với đức tin mạnh mẽ, ngài còn lãnh đạo Rôma chống lại sự tấn công của quân man rợ, xứng đáng với vai trò bảo vệ hòa bình.
Sự nghiệp của Ðức Giáo Hoàng Lêô luôn được đề cao trong ba lãnh vực này. Ngoài ra, sự thánh thiện của ngài dựa trên nền tảng tâm linh sâu xa mà qua đó ngài thi hành công tác mục vụ cho đoàn chiên là lãnh vực thứ tư mà ngài hằng lưu tâm. Ngài nổi tiếng về những bài giảng thật sâu xắc. Là một khí cụ mời gọi mọi người nên thánh, được thấm nhuần Phúc Âm và luôn ý thức đến Giáo Hội, Ðức Lêô đã đáp ứng được những nhu cầu tâm linh của các tín hữu thời ấy.
Ngài từ trần năm 461, để lại nhiều văn bản và thư từ có giá trị lịch sử.
Lời Bàn
Khi có những chỉ trích về cơ cấu Giáo Hội, thì chúng ta cũng được nghe nói rằng các giám mục, linh mục - có thể nói, tất cả chúng ta - đã quá bận tâm với kiểu cách hành chánh theo thói đời. Ðức Giáo Hoàng Lêô là gương mẫu của một người quản trị biết dùng tài năng của mình trong các lãnh vực mà cơ cấu và tinh thần không thể tách biệt: đó là vấn đề giáo lý, công việc mục vụ và sự hài hòa. Ngài tránh cảnh "đi trên mây," sống mà không có thân xác, nhưng ngài cũng như tránh cảnh "quá thực tế," chỉ lo cho những sự bề ngoài.
Trích từ NguoiTinHuu.com

Dẫn vào Tin Mừng.
Người quản lý “bất lương” phải chạy đua với thời gian bằng cách sáng suốt có những hành động kịp thời, để giúp anh ta có cơ hội sống còn sau này. Chúng ta cũng cần phải khẩn cấp với thái độ sáng suốt chuẩn bị cho đời sống mai sau.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 16, 1-8)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: "Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa". Người quản lý thầm nghĩ rằng: "Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ".
"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: "Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi". Rồi anh hỏi người khác rằng: "Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm giạ lúa miến". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi".
"Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, con vẫn thường tự trách mình sau những hành động vụng về, sau những phán đoán trật nhịp với người xung quanh. Xin cho con biết quan tâm đến sự khôn ngoan của con cái ánh sáng, luôn biết hành động và phán đoán trong sự đơn sơ của bồ câu, vì mục đích cuộc đời con phải là chính Chúa chứ không là gì khác. Amen.




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét