Có một cậu
bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ, giận mẹ nhưng không thể xúc phạm
một cách trực tiếp, cậu chạy đến một thung lũng cạnh một khu rừng rậm. Cậu lấy
hết sức mình và thét lên: "Tôi ghét người". Cậu ngạc nhiên vô cùng vì
từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét người". Cậu hoảng hốt quay về
với mẹ và khóc nức nở. Cậu không thể hiểu được từ trong rừng đã có người thù
ghét cậu.
Người mẹ nắm
tay đưa cậu trở lại khu rừng và bảo cậu hãy hét lên: "Tôi yêu người".
Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì cũng có người nói vọng lại: "Tôi yêu
người". Lúc đó người mẹ mới giải thích cho cậu như sau: "Con ơi, đó
là định luật trong cuộc sống của chúng
ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì người đó gặt bão. Nếu
con thù ghét người, thì người cũng sẽ thù ghét con. Nếu con yêu thương người,
thì người cũng sẽ yêu thương con".
Hận thù lúc
nào cũng kéo theo hận thù, bạo động lúc nào cũng sinh ra bạo động. Chỉ có tình
yêu mới làm phát sinh tình yêu. Bạo động và hận thù không thể là phương thế để
cải tạo xã hội. Chỉ có tình yêu đích thực mới cải đổi được lòng người. Bạn hãy
sống cao thượng. Bạn hãy lấy tình yêu để đáp trả lại hận thù. Tiếng vọng cao đẹp
nhất của một nghĩa cử yêu thương lúc nào cũng là tiếng vọng của bình an tự
trong đáy tâm hồn chúng ta.
Trích Sách Lẽ sống.
Dẫn vào Tin Mừng.
Các biến cố
lớn nhỏ xảy ra trong thời đại là những dấu chỉ báo hiệu Chúa đang đến. Các dấu
hiệu ấy chính là sứ điệp Chúa gửi đến chúng ta.
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 21, 29-33)
Khi ấy,
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các con hãy xem cây vả
và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã
gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng
nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi
cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng
qua đâu".
Cầu nguyện.
Lạy Chúa Giê-su, hơn hai ngàn năm qua, Lời Chúa vẫn vang vọng và hướng dẫn nhân loại chúng con biết sống sao cho xứng đáng. Xin cho con biết yêu mến Lời Chúa mỗi ngày không chỉ đọc, suy ngẫm mà còn phải biết sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của con. Amen.
Andreas mà
tiếng Việt Nam phiên âm là Anrê là một danh từ ít dùng trong tiếng Hy lạp. Tuy
nhiên nó mang một ý nghĩa rất thi vị: Anrê nghĩa là trượng phu, thanh nhã.
Đọc Tân ước,
chúng ta chỉ thấy một ít đoạn sau đây nói về thánh Anrê, hoặc nói đến tên ngài.
Lần trước hết:
hôm ấy thánh Gioan Tẩy giả đứng với hai môn đệ tại Bêthania, bên kia sông
Giođanô. Nhìn thấy Chúa Giêsu đi qua, ngài nói với hai môn đệ: “Kìa Con Chiên
Thiên Chúa”. Nghe nói như thế, hai môn đệ vội rảo theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo
họ:
- Các người
tìm ai?
- Thưa Thầy,
Thầy đi đâu bây giờ?
- Cứ đến mà
xem.
Lúc đó là bốn
giờ chiều và hai môn đệ đi theo Chúa suốt buổi hôm ấy. Hai môn đệ đó là Anrê;
em ông Simon Phêrô, và một người khác có lẽ là Gioan. Lúc về nhà gặp Phêrô,
Anrê kể lại cho em nghe: “Ồ, chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mesia, rồi Anrê dẫn em
đến gặp Chúa Giêsu. Hôm sau, Chúa Giêsu trẩy đi Galilêa còn Anrê và Phêrô ở lại
Bétsaiđa mạn bắc hồ Tibêria.
Nhưng lần
khác, đi trên bờ hồ Chúa Giêsu thấy Anrê và Phêrô đang thả lưới vì các ông là
những dân chài, Chúa liền bảo họ:
- Hãy theo
Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi nên kẻ đánh lưới người!
Lập tức họ
bỏ lưới và theo Chúa. Lại một lần sau khi giảng ở nhà hội Caphanaum ra, Chúa
vào nhà ông Phêrô và Anrê chữa khỏi bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô.
Còn lần
trên núi, bên kia biển Galilêa, dân chúng vây quanh Chúa Giêsu. Thấy họ đói,
Chúa Giêsu lại hỏi:
- Làm sao
kiếm của ăn cho họ được ?
Thánh Anrê
thưa:
- Đằng kia
có đứa trẻ mang năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá nhỏ, nhưng bấy nhiêu thấm
vào đâu với số người đông đảo này!
Chúa Giêsu
nói:
- Cứ bảo họ
ngồi xuống. Rồi Người làm phép lạ nhân bánh ra nhiều và phân phát cho mỗi người
được ăn no nê. Cũng chính Anrê lúc ở Giêrusalem vì thánh Philipphê xúi giục đã
trình bày cho Chúa biết có một số dân ngoại nói tiếng Hy lạp muốn xin gặp Chúa.
Lần nữa, khi Chúa Giêsu ở đền thờ đi ra và nói cho các môn đệ biết ngày “tàn” của
đền thánh, thì thánh Anrê cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, đã lợi dụng
lúc Chúa ngồi trên núi cây dầu nhìn về thánh đường đến hỏi riêng Chúa:
- Xin Thầy
hãy nói cho chúng con biêt khi nào việc ấy xảy đến, và có dấu hiệu gì báo trước!
Sau cùng
thánh Anrê là một trong lớp mười hai tông đồ được Chúa sai đi giảng đạo. Trong
số mười hai tông đồ, thánh Matthêu và thánh Luca kể thánh Anrê sau thánh Phêrô,
thánh Máccô lại kể ngài sau ba thánh Phêrô; Giacôbê và Gioan. Tuy nhiên các
sách Hy lạp vẫn chủ trương thánh Anrê được Chúa gọi đầu tiên.
Tài liệu
Phúc âm chỉ cho chúng ta biết như vậy về thánh Anrê. Còn riêng về quãng đời
truyền giáo của thánh nhân, chúng ta không có một văn liệu nào xác đáng. Trừ một
đoạn văn rất đẹp ghi lại rất vắn tắt cuộc tử đạo của ngài như sau:
Quan lãnh sự
xứ Akhaia truyền trói thánh Anrê vào cây thập giá để ngài chết dần mòn. Dân
chúng nhất định không chịu, họ bảo: người này là đấng công chính, là bạn của
Thiên Chúa, và là bậc thầy nhân hậu mà phải điệu đi giết à! Nhưng đứng trước
thánh giá, thánh nhân kêu lên:
“Ôi! Thánh
giá! Ôi sự rỗi từ lâu bạn đã mệt mỏi chờ tôi! Tôi tin tưởng rằng bạn sẵn sàng
đón nhận người đầy tớ của Đấng đã chịu treo trên bạn, và tôi sung sướng bước đi
theo bạn. Tại sao bạn được dựng lên ở đây, tôi đã nhận biết tất cả bí nhiệm của
bạn rồi. Xin bạn hãy nhận lấy kẻ bạn mong chờ, để chính tôi, kẻ ngày đêm thầm ước
vẻ đẹp của bạn cũng tìm thấy bạn. Nơi bạn tôi tìm được phần thưởng Thiên Chúa hứa
cho tôi. Ôi Thánh giá dịu hiền! Hãy đưa kẻ hèn này về với Thiên Chúa Đấng Cứu
chuộc tôi”.
Dân chúng lặp
lại những lời ấy cho quan phó lãnh sự nghe và kêu nài:
“Xin ông hãy trả lại cho chúng tôi người công
chính, người thánh của Thiên Chúa. Xin đừng đang tâm giết người đẹp lòng Thiên
Chúa. Đừng động đến con người hiền lành và đạo đức dường ấy. Đã hai ngày chịu
treo nhưng ông ấy vẫn còn sống và luôn thốt ra những lời thánh thiện. Xin quan
hãy trả lại chúng tôi con người thánh này để chúng tôi được sống với ông. Xin
quan cởi trói người trinh khiết này để mọi gia đình được an hòa, hãy buông tha
người hiền nhân này để khắp xứ Akhaia được hưởng nguồn cứu độ. Còn thánh Anrê
ngài kêu cả tiếng:
“Lạy Chúa Kitô, xin đừng để đầy tớ Chúa đã được
treo lên cây gỗ này vì danh Chúa bị tháo gỡ xuống. Xin chớ để kẻ được diễm phúc
thấu hiểu huyền nhiệm thánh giá bị rơi vào mưu gian loài người... Nhưng lạy
Chúa Giêsu, Đấng con yêu mến, tin nhận và ao ước được hưởng kiến, xin hãy đón
nhận con, vì linh hồn con sắp được giải thoát. Amen”.
Theo sử gia
Êusêbiô, thánh Anrê giảng đạo tại Scythia, nhưng theo nhiều tác giả khác, thánh
tông đồ lại giảng đạo tại Êthiôpia, mấy xứ về phía nam Hắc hải và Patras thuộc
Akhaia.
Nhưng điều
phức tạp hơn cả có lẽ là nơi để thi hài thánh nhân. Thánh Gioan Kim khẩu nói rõ
rằng không biết. Trái lại, sách tử đạo thư dòng thánh Giêrônimô lại chép ngài
làm Giám mục tại Patras và chết ngày 30 tháng 11 mà không rõ thánh nhân chết
năm nào. Nhưng năm 357, giáo chủ thành Alexanđria đem hài cốt ngài về
Constantinôpôli. Ngoài ra còn rất nhiều nơi tự xưng là giữ được hài cốt thánh
Anrê, như miền Fênicia, miền Basilicate, miền Concordia và đảo Chyprô. Vì thế,
ngay từ mấy thế kỷ đầu tiên, rất nhiều nhà thờ mang tên thánh Anrê. Ngay ở Rôma
năm 475, Đức Giáo Hoàng Simpliciô đã xây và thánh hiến một thánh đường kính
thánh Anrê gần đại giáo đường Đức Bà Cả. Và cho đến thời Trung cổ, tại Rôma có
hơn 30 nhà thờ dâng kính thánh Anrê. Phá kỷ lục hơn hết là tại nước Anh có hơn
700 thánh đường hay nguyện đường nhận thánh Anrê làm bổn mạng. Riêng tại nước
Pháp, cũng như tại Việt Nam, sau thánh Phêrô, thánh Anrê rất được giáo dân tôn
sùng và nhận làm bổn mạng.
Giáo hội
kính lễ thánh Anrê vào ngày 30 tháng 11 hằng năm.
Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ
trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng
thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan
tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng
trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai
ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám
phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ
qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là
hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại
bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy
quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư hại vì thế chúng
ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa
chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
- Phía dưới hình một hoa hồng được
chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi
hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".
- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa
kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài
trong một khoảnh khắc".
- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa
dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự
đời đời mới là quan trọng".
Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm
thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và
bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người
Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng
rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới
thực sự quan trọng.
Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi
thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt,
sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng:
mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu
mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một
cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị
tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về
nhà cha. Năm phụng vụ đã gần kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống,
nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những
hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.
Trích sách Lẽ Sống.
Dẫn vào Tin Mừng.
Chúa mời gọi: “Hãy theo
Ta”. Các môn đệ đã đáp trả cách quảng đại và dứt khoát. Ta hãy lắng nghe và mau
mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu. (Mt 4, 18-22)
Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc
theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và
Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo
hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những
ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa
hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và
Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai
ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
Cầu nguyện.
Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời là một ơn gọi mà mỗi chúng con được Chúa gọi theo Ngài. XIn cho con luôn biết chú tâm lắng nghe để nhận ra tiếng gọi mời của Chúa giữa những xô bồ của cuộc sống. Lạy Chúa, xin lôi kéo con bước theo Ngài. Amen.
Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng
là một người nóng tính.
Ngài được cử làm bề trên một cô nhi
viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin
ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa
gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội
nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có
phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi
vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: "Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm
ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?". Bị đánh động bởi cử chỉ điềm
nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành phải lấy tiền trao cho ngài để
giúp đỡ các em mồ côi.
Cái dũng của thánh nhân chính là biết
dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường
nói: "Một câu nhịn bằng chín câu lành". Không có sức mạnh nào có thể
thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến
đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới
có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.
Trích sách Lẽ Sống.
Dẫn vào Tin Mừng.
Thử thách, gian nguy, khốn
khó đều là những cơ hội thuận tiện để sống đời nhân chứng đức tin. Chúa sẽ nâng
đỡ, bảo vệ người Kitô hữu. Nếu kiên trì, ta sẽ chiến thắng.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca. (Lc 21, 12-19)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội
đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy:
các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ
lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng
lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ
các con.
"Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu
sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người
ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất.
Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".
Cầu nguyện.
Lạy Chúa Giê-su, Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Để bước theo Chúa, Chúa đòi con phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày để theo Chúa. Lạy Chúa, con luôn miện nói con sẵn sàng theo Chúa, nhưng con lại thường xuyên từ chối những thánh giá đời thường của mình. Xin cho con yêu Chúa thật lòng để con luôn vui vẻ đón nhận những thử thách hằng ngày như thánh giá cuộc đời mà bước theo Chúa. Amen.
"Trăm năm bia đá thì mòn, Ngàn
năm bia miệng hãy còn trơ trơ"
Nhà độc tài nào sau khi ra đi cũng
trở thành bia cho không biết bao nhiêu những lời đàm tiếu của thiên hạ. Năm
1986, người ta nói đến trên 3,000 đôi giày đã trở thành bảo tàng viện của bà
Imelda Marcos, phu nhân của cựu tổng thống Phi Luật Tân, ông Ferdinand Marcos.
Sau đó, người ta lại bàn tán về những đôi giày của bà Elena, vợ của nhà độc tài
Ceaucescu bị hành quyết tại Rumani.
Khi vợ chồng của cựu tổng thống
Marcos bị bắt buộc phải bỏ nước Phi, dân chúng đã tuôn đến dinh tổng thống như
một ngày hội: họ đến đó chỉ để xót xa so sánh cái cảnh giàu sang quá mức của
gia đình nhà độc tài với cái đói khổ mạt rệp của dân chúng. Người dân Phi nói rằng,
trong 9 năm liền, bà Imelda Marcos chỉ có thể mang một đôi giày không quá 3 lần
là cùng. Sau khi hành quyết vợ chồng Ceaucescu, người ta mới khám phá ra rằng
căn nhà mà họ cho là bình thường của họ chính là một biệt thự sang trọng với 40
phòng khác nhau được trang trí bằng những bức tranh đắt giá, phòng tắm được khảm
bằng vàng. Mỗi phòng đều có truyền hình và máy video.
Tài sản của ông Ceaucescu cũng không
thua kém gì những của cải biển lận của ông Noriega, cựu tổng thống bị truất phế
của Panama. Ông tướng này không chỉ có những căn nhà lộng lẫy trong nước, mà
còn không biết bao nhiêu biệt thự tại Pháp và các nước khác. Máy bay và những
chuyến du thuyền của ông không còn là những phương tiện để di chuyển, mà là cả
một thú sưu tầm.
Không có một nhà độc tài nào mà
không tham lam tiền của. Người ta nói đến hàng tỷ Ðôla của ông Marcos. Nhà độc
tài của một nước nghèo nàn như Haiti cũng có đến 400 triệu Mỹ kim. Somoza, người
bị lật đổ tại Nicaragua, thì có đến hàng trăm triệu Ðô la đầu tư vào những kinh
doanh đồi trụy như đĩ điếm, cờ bạc. Cựu hoàng đế Pokassa của một nước nghèo nàn
lạc hậu như Cộng Hòa Trung Phi bên Phi Châu, đã làm lễ đăng quang năm 1976 với
một phí tổn là 20 triệu Mỹ kim. Và hiện nay, người ta ước tính tài sản của tổng
thống Zaire là ông Mobutu Sese Seko lên đến gần 5 tỷ Mỹ kim.
Giá của những tài sản bất chính ấy
thường giống nhau: một cuộc lưu vong nhục nhã, một cuộc chốn chạy không kèn
không trống, một cuộc hành quyết dã man hay một cuộc sống trong lo sợ từng ngày
và làm mục tiêu cho những oán ghét.
Mỗi dịp đầu năm, dường như ai cũng
muốn làm một quyết tâm. 50% người Hoa Kỳ quyết tâm giảm thiểu sự ăn uống để gìn
giữ sức khỏe.
Ðối với người Kitô chúng ta, sức khỏe tinh thần,
sự cường tráng tâm linh có lẽ là điều quan trọng hơn cả. Quyết tâm của chúng ta
phải là quyết tâm điều chỉnh lại sự lựa chọn cơ bản của chúng ta. Ðâu là cùng
đích của cuộc sống chúng ta? Ðâu là lý tưởng của chúng ta? Ðâu là giá trị cao cả
nhất trong cuộc sống của chúng ta? Tiền bạc và nhất là tiền bạc bất chính có
đem lại hạnh phúc cho đời Người không?
Trích Lẽ sống.
Dẫn vào Tin Mừng.
Đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá vì
dân Do thái đã khước từ Chúa Giêsu. Tuy nhiên sự sụp đổ ấy lại mở ra một thời kỳ
mới: Tin Mừng vượt ra ngoài khuôn khổ Do thái để lan rộng trên toàn thế giới.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca. (Lc 21, 5-11)
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền
thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng:
"Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào
nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng:
"Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự
đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối:
vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: "Chính ta đây
và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói
có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã,
nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy
rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước
nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện
tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".
Cầu nguyện.
Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời này mọi thứ rồi sẽ qua đi chỉ còn lại tình yêu Chúa là tồn tại vĩnh viễn. Xin cho con biết đón nhận, cảm nghiệm và sống đáp trả tình yêu Chúa trong cuộc sống này. Amen.
Cha Pierre, người sáng lập phong
trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và
tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những
kỷ niệm mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có
tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau
để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi
bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về, ai cũng
nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi
bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như
sau:" Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì".
Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.
Ba tôi đang đau liệt trong phòng của
ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào. Lúc
đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng
cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:" Con không biết rằng
con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng
nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?"
Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau
khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì
tính xấu xa của tôi.
Tôi không bao giờ quên được câu
chuyện trên đây. Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của
tôi.
Ba nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời
sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết đó là lao động.
Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng
nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá trị của việc
làm và sự đóng góp của mình.
Nguyên tắc thứ hai đó là đời sống cộng
đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30
năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống của cộng
đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.
Nguyên tắc thứ ba là phục vụ. Ðây
là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn. Phục vụ có
nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính đau khổ của
mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.
Có lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha
Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học mà
ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con không bằng lòng khi thấy những
người khác được hạnh phúc ư?".
Nguyên tắc trên đây cũng là lời
khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài:"Vui với người
vui, khóc với kẻ khóc".
Dù sống trong địa vị nào trong xã hội,
dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn, mọi người đều được
mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc đơn sơ và cơ bản
nhất trong cuộc sống chung vẫn là:" Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh
phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính
mình".
Trích Lẽ sống.
Dẫn vào Tin Mừng.
Đối với Chúa, điều quan trọng
không phải là số lượng, nhưng là thái độ khi ta làm việc lành. Những việc làm của
ta, dù nhỏ bé, nếu được thực hiện với lòng yêu mến và tín thác nơi Chúa, Ngài sẽ
vui nhận.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca. (Lc 21, 1-4)
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy
những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá
nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các
con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người
kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất
cả những gì bà có để nuôi sống mình".
Cầu nguyện.
Lạy Chúa Giê-su, bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ bỏ vào thùng tiền hai đồng xu nhỏ bé nhưng lại được xem là đã dâng cúng nhiều nhất, với Chúa, tấm lòng quý hơn của lễ. Xin cho con cũng biết đến với Chúa bằng tấm lòng ngay thật, đơn sơ. Xin giữ con luôn nhỏ bé trước mặt Chúa. Amen.
Thánh Anrê
Dũng Lạc là một trong 117 vị tử đạo ở Việt Nam trong những năm từ 1820 đến
1862. Các ngài được phong chân phước làm bốn đợt, từ 1900 đến 1951. Sau cùng,
các ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1988.
Kitô Giáo
được người Bồ Ðào Nha đưa vào Việt Nam qua ba triều đại. Vào năm 1615, các linh
mục dòng Tên mở khu hội truyền giáo đầu tiên ở Ðà Nẵng. Ở đây các cha coi sóc
các người Công Giáo Nhật Bản bị tống ra khỏi nước.
Vua chúa thời
ấy cấm các nhà truyền giáo ngoại quốc không được du nhập vào Việt Nam và họ dụ
dỗ người Việt chối đạo bằng cách bước qua thập giá. Giống như thời kỳ cấm đạo ở
bên Anh, các linh mục ở Việt Nam cũng phải trốn tránh trong nhà của giáo dân.
Có đến ba lần
bắt đạo cực kỳ khủng khiếp trong thế kỷ 19. Kể từ năm 1820, trong sáu thập
niên, có khoảng 100,000 đến 300,000 người Công Giáo đã bị giết hoặc bi đầy ải.
Trong đợt bách hại đầu tiên các nhà truyền giáo ngoại quốc gồm các linh mục của
Tu Hội Thừa Sai Ba Lê, cũng như các linh mục Ða Minh người Tây Ban Nha và các
người dòng ba.
Vào năm
1847 xảy ra cuộc bách hại lần thứ hai, khi nhà vua nghi ngờ các vị thừa sai và
giáo dân Việt Nam đồng loã với lực lượng phản loạn để giết các con trai của
vua.
Các vị tử đạo
sau cùng là 17 giáo dân, trong đó có một em 9 tuổi, được tử đạo năm 1862. Chính
năm đó một hiệp ước được Việt Nam ký kết với Pháp nhằm đảm bảo sự tự do tôn
giáo cho người dân, nhưng hiệp ước đó không được tôn trọng.
Vào năm
1954, có khoảng một triệu rưỡi người Công Giáo -- khoảng bảy phần trăm dân số
-- sống ở miền Bắc. Người Phật Giáo chiếm khoảng 60 phần trăm dân số. Vỉ sự tàn
ác của chế độ cộng sản, 670,000 người Công Giáo đã từ bỏ đất đai, nhà cửa và
tài sản để di cư vào miền Nam. Sau cuộc chiến Việt Nam, vào năm 1975 cộng sản
đã làm chủ toàn thể lãnh thổ quốc gia này.
Lời Bàn
Lịch sử tử
đạo của dân tộc Việt giúp cho những ai chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến giữa
tự do và cộng sản thấy rằng, ngay tự xa xưa, thập giá đã là một phần của đời sống
người Việt. Trong khi lý do của sự can thiệp hoặc bỏ rơi của Hoa Kỳ vào vấn đề
Việt Nam chưa được giải đáp thỏa đáng, thì chính đức tin Kitô Giáo từng ăn sâu
vào lòng đất Việt đã chứng tỏ sự can trường hơn bất cứ sức lực nào muốn tiêu diệt
đức tin ấy.
Lời Trích
"Giáo
Hội Việt Nam thì sống động và đầy sinh lực, với nhiều giám mục trung tín và
hăng hái, và nhiều giáo dân tận tụy và can đảm& Giáo Hội Việt Nam đang sống
phúc âm trong một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp với một sức mạnh đáng kể"
(nhận định của ba vị tổng giám mục Hoa Kỳ sau chuyến thăm viếng Việt Nam vào
tháng Giêng 1989).
Trích từ
NguoiTinHuu.com
Theo quốc tịch,
117 Thánh Tử đạo Việt Nam được chia ra như sau:
·11 vị gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng
Đa Minh,
·10 vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa
sai Paris,
·96 vị người Việt: 37 linh mục và 59 giáo dân - trong
đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và một phụ nữ là bà Anrê Lê Thị Thành.
Theo Thành
phần
Giám mục:
·Dòng Đa-minh: Valentinô Berrio Ochoa Vinh • Clementé
Ignacio Delgaho Y • José María Diaz Sanjuro An • Melchior Garcia-Sampedro Xuyên
• Domingo Henares Minh • Giêrônimô Hermosilla Vọng
·Hội Thừa sai Paris: Etienne-Théodore Cuénot Thể •
Pierre Dumoulin-Borie Cao.
Tu sĩ:
·Linh mục: Petrus Almato Bình • Matteo Alonzo Leciniana
Đậu • Jean-Louis Bonnard Hương • Đa Minh Cẩm • Jacinto Castaneda Gia •
Jean-Charles Cornay Tân • Tôma Đinh Viết Dụ • Bênađô Vũ Văn Duệ • Anrê Trần An
Dũng • Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm • Gioan Đạt • José Fernandez Hiền •
Francois-Isidore Gagelin Kính • Francisco Gil de Fedrich Tế • Đa Minh Nguyễn
Văn Hạnh • Giuse Đỗ Quang Hiển • Gioan Đoàn Trinh Hoan • Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng
• François Jaccard Phan • Phêrô Hoàng Khanh • Phêrô Vũ Đăng Khoa • Phaolô Phạm
Khắc Khoan • Tôma Khuông • Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm • Luca Vũ Bá Loan • Phaolô
Lê Văn Lộc • Phêrô Nguyễn Văn Lựu • Joseph Marchand Du • Đa Minh Hà Trọng Mậu •
Philípphê Phan Văn Minh • Giacôbê Đỗ Mai Năm • Pierre François Néron Bắc •
Phaolô Nguyễn Ngân • Giuse Nguyễn Đình Nghi • Phêrô Đoàn Công Quí • Augustin
Schoeffler Đông • Máctinô Tạ Đức Thịnh •
Phaolô Lê Bảo Tịnh • Đa Minh Trạch • Emmanuel Nguyễn Văn Triệu • hêrô Nguyễn Bá
Tuần • Giuse Tuân • • Phêrô Lê Tùy •
Phêrô Nguyễn Văn Tự • Đa Minh Vũ Đình Tước • Jean Théophane Vénard Ven • Giuse
Đặng Đình Viên • Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên • Vinh Sơn Đỗ Yến.
·Thầy giảng: Phanxicô Xaviê Cần • Phanxicô Đỗ Văn Chiểu
• Phêrô Trương Văn Đường • Phêrô Nguyễn Văn Hiếu • Giuse Nguyễn Duy Khang •
Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu • Phaolô Nguyễn Văn Mỹ • Gioan Baotixita Đinh Văn
Thành • Tôma Toán • Phêrô Vũ Văn TruậtPhêrô Nguyễn Khắc Tự • Đa Minh Bùi Văn Úy
• Giuse Nguyễn Đình Uyển • Phêrô Đoàn Văn Vân
·Nam: Giuse Hoàng Lương Cảnh • Phêrô Đinh Văn Dũng •
Phaolô Vũ Văn Dương (Đổng) • Phêrô Đa • Mátthêu Nguyễn Văn Đắc • Tôma Nguyễn
Văn Đệ • Antôn Nguyễn Đích • Mátthêu Lê Văn Gẫm • Phaolô Hạnh • Simon Phan Đắc
Hòa • Đa Minh Huyện • Giuse Nguyễn Văn Lựu • Đa Minh Mạo • Augustinô Nguyễn Văn
Mới • Lôrensô Ngôn • Đa Minh Nguyên • Đa Minh Nhi • Đa Minh Ninh • Emmanuel Lê
Văn Phụng • Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh • Máctinô Thọ • Anrê Nguyễn Kim Thông •
Phêrô Thuần • Đa Minh Toái • Giuse Tuân • Giuse Phạm Quang Túc • Anrê Tường
Giáo dân 1812 • Vinh Sơn Tường • Stêphanô Nguyễn Văn Vinh • Vinh Sơn Phạm Văn
Dương.
·Nữ: Anê Lê Thị Thành.
Theo Việt sử,
các vị này đã bị giết trong những đời vua chúa sau đây:
·2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767),
·2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782),
·2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802),
·58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841),
·3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847),
·50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883).
Trong thế kỷ
18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 ngàn người Công giáo đã chết vì đạo;
riêng trong thời gian từ 1857 đến 1862, có khoảng 5 ngàn tín hữu bị giết, khoảng
40 ngàn tín hữu cùng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì
đạo[cần dẫn nguồn]. Trong số đó có 117 vị, tử đạo từ 1745 đến 1862, được Giáo hội
Công giáo Rôma tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:
·Ngày 27 tháng 5 năm 1900 (thời Giáo hoàng Lêô XIII):
64 vị
·Ngày 20 tháng 5 năm 1906 (thời Giáo hoàng Piô X): 8 vị
·Ngày 2 tháng 5 năm 1909 (thời Giáo hoàng Piô X): 20 vị
·Ngày 29 tháng 4 năm 1951 (thời Giáo hoàng Piô XII): 25
vị
Và được
tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Tổng hợp.
Dẫn vào Tin Mừng.
Thiên Chúa luôn luôn hiện diện
trong cuộc đời các Kitô hữu. Đặc biệt trong những lúc gặp thử thách, người tín
hữu luôn có Thánh Thần hỗ trợ.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu. (Mt 10, 17-22)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho
công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến
nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết.
Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào
và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải
chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ
nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.
Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy
sẽ được cứu độ".
Cầu nguyện.
Lạy Chúa Giê-su, cha ông chúng con xưa đã hết sức can đảm làm chứng cho Chúa bằng chính cái chết của mình. Là con cháu các ngài, xin cho chúng con cũng biết noi gương các ngài làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống hằng ngày, bằng những hy sinh nhỏ bé nhất, từ bỏ những thói quen xấu, can đảm từ khước những phim ảnh bạo lực, không lành mạnh, và những gì làm con đánh mất hình ảnh của Chúa nơi con. Amen.