Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ
Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba
của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết.
Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West
Point.
Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra
đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc
cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của
Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng
bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh
tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.
Ông giáo sư cầu cóng không ưng ý
chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ
quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này,
ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi đã bảo anh phải
cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ
xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người.
Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc
theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong
hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là
để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở
hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc
cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời
cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc
cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình,
Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một
gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm
tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp
gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc
cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.
Trích sách Lẽ Sống
Khi chữa lành người phong hủi, Chúa
Giêsu chứng tỏ Ngài có quyền chữa lành mọi bệnh tật và giải thoát người ta khỏi
tội lỗi. Ta hãy tin tưởng và kêu cầu Chúa cứu chữa.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu. (Mt 8, 1-4)
Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống,
đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng:
"Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Chúa Giêsu
giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh". Tức
thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy
ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật
Môsê để minh chứng cho họ biết".
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nhập thể làm người để giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, để tác tạo lại hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, để mở lối cho chúng con trở về với tình yêu và hạnh phúc của Cha trên trời. Xin giúp con luôn vững tin vào Chúa, và chỉ một mình Chúa mà thôi. Xin đừng để con bị cuốn hút vào những thói đời mê hoặc, những buồn chán, thất vọng; những bi quan yếm thế. Lạy Chúa, Chúa quyền năng và giàu lòng xót thương, Chúa chỉ muốn con được hạnh phúc. Xin cho con luôn vững niềm tin như thế. Amen.
Chúa thương cứu độ
ĐK. Ta hãy gẫm suy tình yêu của
Chúa! Tình Chúa ôi thẳm sâu trời biển bao la. Ngay lúc khi ta còn là tội nhân
thì Chúa, Chúa đã chết Ngài chết cho ta. Nay khi chúng ta được thương giải án,
nhờ máu Chúa đổ xuống mở khai nguồn ơn. Đâu tội lỗi rắc gieo khổ đau lan tràn ở
đó ân sủng chứa chan vô vàn
1/ Xưa ta bước đi lạc loài từ chốn
mịt mờ, không nơi náu thân phiêu bạt rày đây mai đó. Nay do Chúa thương dẫn ta
về vùng sáng tươi, làm dân thánh Người, dân Chúa yêu hưởng quê trời cao
2/ Xưa ta sống như xa lạ là kẻ nghịch
thù, không mơ ước chi hơn là trần gian vui thú. Nay do Chúa thương kéo ta làm
hòa với Cha, làm bạn hữu Ngài do Thánh Linh sống trong tình yêu.
3/ Xưa ta ví như nô lệ phận kiếp đọa
đày, đâu mơ ước chi ngày được tự do trong Chúa. Nay do Chúa thương khấn ban thần
lực tác sinh, làm con của Người, con dấu yêu hưởng gia nghiệp Cha